Thông tin trên được Bộ NN-PTNT cho biết vào chiều 28/9.

Cụ thể, trong tháng 9/2023, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản của nước ta ước đạt 4,8 tỷ USD, tăng 22% so với tháng cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhóm nông sản đem về 2,45 tỷ USD, tăng 46,9%; chăn nuôi đạt 45,3 triệu USD, tăng 32,6%; lâm sản 1,28 tỷ USD, tăng 7,3%; thủy sản 850 triệu USD, giảm 0,8%; đầu vào sản xuất 166,5 triệu USD, giảm 5,5%.

Ước tính đến hết tháng 9 năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp đạt 38,48 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vẫn tăng trưởng âm nhưng mức giảm nhỏ dần, xuất khẩu nhiều nhóm hàng bắt đầu bước vào giai đoạn tăng tốc cuối năm.

Kim ngạch xuất khẩu rau quả và gạo tăng mạnh (Ảnh: Hoàng Giám).

Trong 9 tháng năm 2023, một số nhóm hàng xuất khẩu của ngành nông nghiệp vẫn tăng trưởng âm như: thuỷ sản đạt 6,64 tỷ USD, giảm 21,7% so với cùng kỳ năm ngoái; lâm sản 10,44 tỷ USD, giảm 20,6%; đầu vào sản xuất 1,49 tỷ USD, giảm 20,2%. 

Song, nhóm nông sản và chăn nuôi lại có kim ngạch xuất khẩu tăng vọt. Theo đó, xuất khẩu nông sản 19,54 tỷ USD, tăng 16,7%; sản phẩm chăn nuôi ước đạt 369 triệu USD, tăng 26,4%.

Đáng chú ý, xuất khẩu gạo và rau quả trở thành “ngôi sao” sáng của ngành khi duy trì mức tăng trưởng đột biến. Cụ thể, nhóm hàng rau quả đem về 4,2 tỷ USD, tăng 71,8%; gạo 3,66 tỷ USD, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, xuất khẩu hạt điều đạt 2,61 tỷ USD, tăng 14,3%; cà phê 3,16 tỷ USD, tăng 1,9%.

Giá bình quân xuất khẩu gạo đạt 553 USD/tấn, tăng 14%, thậm chí có thời điểm lên đến gần 650 USD/tấn; cà phê 2.499 USD/tấn, tăng 9,9%.

Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục là ba khách hàng lớn lớn nhất của nông sản Việt. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm 22,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp, tăng 13,8%; Mỹ chiếm 20,7%, giảm 22,6% và Nhật Bản chiếm 7,6%, giảm 7,7%.

Cũng theo Bộ NN-PTNT, luỹ kế đến hết tháng 9 năm nay, ngành nông nghiệp xuất siêu 8,04 tỷ USD tăng mạnh 22,5% so với cùng kỳ năm ngoái.