Cuộc gặp gỡ diễn ra tại trụ sở UBND TP.HCM, được Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM tổ chức theo đúng hình thức của giới khởi nghiệp: thân tình, tuân thủ thời gian, đi sâu vào trọng tâm giải quyết vấn đề. Sau phần phát biểu khai mạc của Chủ tịch UBND Phan Văn Mãi nhấn mạnh TP.HCM tập trung nguồn lực để trở thành một trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khu vực Đông Nam Á và chia sẻ đề dẫn “Bàn về khát vọng của cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM" của nhà giáo dục Giản Tư Trung là phần… elevator pitch của các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Elevator pitch nghĩa đen là bài trình bày thuyết phục trong thang máy, một phương pháp phổ biến trong giới khởi nghiệp: Trong vòng 10 giây, đúng bằng thời gian thang máy di chuyển, hãy nêu một vấn đề gì đó quan trọng nhất.
Lần gặp này, các startup không cần dùng đến 10 giây để trình bày với Bí thư Thành ủy TPHCM và các lãnh đạo câu chuyện khát vọng của mình. Mỗi người chỉ chọn một từ để nói về điều này.
Nhà giáo dục Giản Tư Trung, hiệu trưởng trường doanh nhân PACE kiêm Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục IRED sau phần chia sẻ rằng "tư duy khởi nghiệp chính là tạo ra sự thay đổi tích cực đối với xã hội quanh mình và thế giới, dùng tài năng và công nghệ đột phá để giải quyết những vấn đề của cuộc sống một cách sáng tạo", đã chọn từ “doanh trí". Điều này đúng với nhóm các startup tham dự: nhiều người có bằng tiến sĩ, thạc sĩ, hầu hết là du học sinh, đã từng làm việc ở các tập đoàn toàn cầu và liên tục nâng cấp bản thân mình thông qua các chương trình đào tạo.
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, chủ tịch công ty cổ phần Go Global Holdings, đơn vị hiện đang đầu tư vào 9 công ty nhượng quyền và quỹ Go Global Franchise chọn từ “nhân lực ra thế giới" để bày tỏ khát vọng chinh phục thị trường toàn cầu của các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt. “Go Global - Ra thế giới" cũng chính là từ mà ông Nguyễn Văn Thanh, tổng giám đốc GSM - XanhSM chọn để nói về hành trình của doanh nghiệp từ 2 người trở thành 50.000 người và trở thành ứng dụng di chuyển xếp hạng nhất trên tất cả các kho ứng dụng. Cùng một quan điểm gần giống như vậy, ông Diệp Nguyễn, đồng sáng lập và phó chủ tịch MoMo - ví điện tử thông dụng nhất hiện nay chọn từ “công nghệ Việt cho người Việt".
Và nếu như MoMo đã từng bước hoàn tất quá trình dùng công nghệ tài chính để phục vụ hàng triệu người dân không có tài khoản ngân hàng được tiếp cận với việc thanh toán, vay tín chấp cũng như kinh doanh trên nền tảng số, thì ông Bùi Hoài Nam, nhà sáng lập Urbox cũng đồng quan điểm. Ông Nam, người tạo ra sự thay đổi với giải pháp quà tặng điện tử của mình thì chọn từ “phổ cập" để nói về việc công nghệ phải tạo ra sự thuận tiện hơn cho cuộc sống của mọi người dân. Ý kiến này cũng được ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên, chàng tiến sĩ từ bỏ giấc mơ Mỹ về quê khởi nghiệp với sản phẩm xe máy điện Selex Motor tin tưởng: “Giấc mơ Việt".
Bà Vũ Kim Hạnh, nhà sáng lập chương trình Khởi nghiệp Xanh với chuỗi hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa và sức mạnh công nghệ hơn 10 năm nay thì chọn một khái niệm khá “sốc": "Đừng No Action Talk Only - Đừng chỉ nói suông mà hãy làm cho ra việc". Cụm từ này cũng gần với sự lựa chọn của ông Phan Nhật Minh, giám đốc quỹ đầu tư mạo hiểm Gobi Partners: “Nói ít, làm thực". Mặc dù vậy, ông Vinh Lê, chủ chuỗi nhà hàng Zumwhere vẫn tin rằng cần “think big - nghĩ lớn" trước khi bắt tay vào hành trình khởi nghiệp.
Có hai lựa chọn trùng nhau cùng chia sẻ về khát vọng cá chép hoá rồng là từ “kiên trì", vì thành công của khởi nghiệp là một quá trình dài, bền bỉ chứ không lớn nhanh như mọi người lầm tưởng: ông Trung Phạm - đồng sáng lập xe mô tô điện Datbike và ông Hiếu Võ của chương trình hỗ trợ khởi nghiệp VIISA. Bà Cẩm Nhung, phó giám đốc VN Pay, một khởi nghiệp kỳ lân được định giá trên 1 tỷ đô la Mỹ bổ sung thêm: “Quyết liệt”.
Khá bất ngờ là ông Đức Đặng, giám đốc chương trình ươm tạo Block71 phối hợp giữa tập đoàn Becamex và ĐHQG Singapore NUS, vốn chuyên tâm hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực phần cứng lại chọn từ “chiều sâu" trong khi ông Hoàng Đức Trung, giám đốc quỹ đầu tư mạo hiểm VinaCapital Ventures lại chọn từ “sản phẩm". Tất nhiên, cả hai ông đều tâm niệm về việc tạo ra những sản phẩm thực, có chiều sâu công nghệ và đáp ứng nhu cầu cuộc sống thì mới thực sự là “khát vọng khởi nghiệp".
Ông Đỗ Trần Bình Minh, tổng giám đốc AI Education, đơn vị được uỷ quyền toàn phần của Google trong lĩnh vực giáo dục thì chọn một khái niệm không mới nhưng mang tính nhắc nhở cao: “Dựa lực". Đó là cách mà TP.HCM cần trở thành một nơi tập trung hội tụ các đơn vị công nghệ lớn của thế giới để xây dựng một đội ngũ nhân lực tiêu chuẩn toàn cầu, hay như trước đây mọi người hay gọi là “đứng trên vai người khổng lồ".
Một điều khá thú vị là được nghe ba từ liên tiếp nhau cùng nói về một vấn đề. Đó là từ “bền vững" của ông Phạm Nam Phong, nhà sáng lập Vũ Phong Energy Group chuyên về năng lượng tái tạo, từ “trách nhiệm" của ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống của Nova AI Mall và bà Tú Ngô, giám đốc quỹ đầu tư Touchstone chọn “cá voi". Hoá ra, cá voi, chứ không phải cá mập, mới là xu hướng quan trọng của khởi nghiệp thời nay: cá voi mới là động vật sống lâu, bền vững và thân thiện với môi trường nhất suốt 200 năm cuộc đời.
Nhà báo Lương Bích Ngọc trong hơn 10 năm ở Sở KHCN TP.HCM, người có những dấu ấn trong hoạt động truyền thông đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp nói “Hi vọng", giống như ông Minh Bùi, chủ tịch Beta group trong lĩnh vực công nghiệp văn hoá chọn “Cảm hứng". Vì chỉ mới là vòng “khởi động", cuộc gặp gỡ đã mở ra một không gian mới đầy hứa hẹn cho thành phố năng động sáng tạo và đầy ắp tinh thần doanh chủ.
Bung Trần
Bài 2: Từ tư tưởng kinh doanh đến kỷ cương khởi nghiệp