Để có thể xây dựng được thành công Đề án "Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030" và được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 345 ngày 5/4/2023, phải kể đến những bài học thành công của Chương trình 585 (Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010 – 2014 và 2015 – 2020).
Sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, mặc dù gặp không ít khó khăn, song Chương trình 585 về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đã từng bước khẳng định được vị trí, vai trò của mình.
Chương trình đã góp phần lan tỏa và định hương cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc. Thể chế về tổ chức, hoạt động của Chương trình 585 đã hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, thống nhất. Kinh phí triển khai các hoạt động của Chương trình 585 cũng được thực hiện trên nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.
Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Dự án GIG (Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện), Chương trình 585 là một trong 10 chương trình hỗ trợ hiệu quả nhất đối với doanh nghiệp trong thời gian qua. Thông qua hoạt động khảo sát cho thấy Chương trình 585 được biết đến rộng rãi (có đến 84.5% số người tham gia khảo sát biết đến các hoạt động của Chương trình 585).
Việc triển khai Chương trình 585 đã bám sát các mục tiêu, nội dung đặt ra. Nhìn chung, các mục tiêu của Chương trình 585 cơ bản đã đạt được, cụ thể:
Thứ nhất, Chương trình 585 về cơ bản đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, tạo lập các điều kiện cần thiết để giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, phòng chống rủi ro và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp.
Chương trình 585 đã phối hợp với các bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức đại diện của doanh nghiệp triển khai các hoạt động cụ thể, như: tổ chức các lớp bồi dưỡng; tọa đàm nhằm nâng cao kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp; kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp và người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; tổ chức các Chương trình pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp thông qua Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc hội, xây dựng các Bản tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp... Các hoạt động này đã có một số kết quả cụ thể, tạo kênh thông tin quan trọng và kịp thời để tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật kinh doanh tới các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp khắc phục tình trạng khó khăn trong việc tiếp cận thông tin pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, áp dụng pháp luật vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Kinh phí cấp cho Chương trình 585 được sử dụng tiết kiệm, đúng định mức. Việc kiểm tra, giám sát các hoạt động toạ đàm, bồi dưỡng, các chương trình kinh doanh và pháp luật được tổ chức hợp lý, khoa học. Điều này góp phần nâng cao chất lượng, tác động thiết thực cho đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp tham gia, cán bộ pháp chế, cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân, Sở Tư pháp và các sở, ban ngành liên quan ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai điểm của chương trình.
Thứ ba, Chương trình 585 đã có những tác động tích cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tại nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hậu Giang, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Tuyên Quang...; đặc biệt là góp phần hình thành các mô hình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hiệu quả, như: mô hình Cà phê doanh nhân, Cà phê sáng thứ 7, Bác sĩ doanh nghiệp...
Thứ tư, thông qua kết quả và thực tiễn hoạt động của Chương trình 585, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; từ đó đề xuất Chính phủ ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọn như Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (thay thế Nghị định số 66/2008/NĐ-CP) nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hay mới đây là Quyết định 345.
Khảo sát về nhận thức chung của doanh nghiệp về chương trình hỗ trợ pháp lý, đại đa số doanh nghiệp cho rằng cần tiếp tục phát triển các hình thức hỗ trợ pháp lý, cần phải đẩy mạnh hoạt động truyền thông để doanh nghiệp biết đến chương trình và các hoạt động của chương trình (76.4%); người làm công tác hỗ trợ pháp lý cũng cần phải chủ động hơn trong việc tiếp cận doanh nghiệp cần được hỗ trợ (50.7%).
Những kết quả triển khai thực hiện các hoạt động của Chương trình 585 đã để lại dấu ấn nhất định đối với cộng đồng doanh nghiệp, đóng góp vào thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, khẳng định được vai trò và tác động tích cực của Chương trình 585, góp phần nâng cao vị thế của Bộ, ngành Tư pháp trong cộng đồng doanh nghiệp.