Nói chuyện hay thuyết trình trước các lãnh đạo có thể khiến những người vô cùng tài năng, thông minh và sáng tạo trở nên lo lắng đến mất ăn mất ngủ, nhưng điều đó sẽ không xảy ra nếu bạn biết những sai lầm thường gặp này để tránh.
1. Đừng nói kiểu trung lập
Chẳng có gì khó chịu hơn là phải nghe một ai đó lải nhải suốt 20 phút toàn là những dữ liệu, con số và không rõ quan điểm của riêng họ là như thế nào. Hãy chọn một lập trường và nói rõ ràng rằng bạn đang đứng về bên nào.
2. Thiếu lập trường
Suốt cả ngày, sếp của bạn đã phải tiếp xúc với hàng tá người cố gắng gây ấn tượng với họ. Mặc dù gây ấn tượng là điều cần thiết trong các bài thuyết trình kinh doanh, song những nhà lãnh đạo thực sự giỏi đều thấy mệt mỏi với điều đó. Họ không cần cái tôi của họ được vuốt ve. Cái mà họ thực sự muốn từ bạn – hơn bất cứ thứ gì – là nhìn thấy con người thật của bạn.
Đừng đưa ra những bài phát biểu theo phong cách “phát ngôn viên của công ty”. Để họ thấy con người thật của bạn nghĩa là bạn hãy bỏ bớt đi những thuật ngữ.
3. Bỏ qua những chi tiết dài dòng
Sếp của bạn sẽ không có thời gian cho những câu chuyện dài dòng, vì thế hãy đi thẳng vào vấn đề. Đừng giống như những diễn viên hài, giữ lại đoạn cao trào ở phần cuối. Hãy gửi ngay thông điệp quan trọng trong cuộc trao đổi.
4. Đừng chỉ trình bày
Hầu hết mọi người đều không có thời gian, khả năng tập trung hay sự kiên nhẫn để chỉ đơn giản là ngồi nghe ai đó “độc diễn” như một cái máy.
Thay vào đó, hãy bắt họ phải suy nghĩ, hãy đặt câu hỏi cho họ. Giúp họ sử dụng trí tưởng tượng của mình. Nếu thích hợp, hãy thách thức quan điểm của họ. Đừng chỉ chấp nhận quan điểm của sếp chỉ vì họ là ông chủ.
5. Hãy làm họ ngạc nhiên
10/10 bài thuyết trình đều giống nhau ở hầu hết khía cạnh. Bạn có một cơ hội tuyệt vời để truyền cảm hứng, để soi sáng và để thu hút lãnh đạo, vì thế đừng để lãng phí nó.
Hãy kể cho họ những câu chuyện ấn tượng, sử dụng các công cụ hay “slide” khiêu khích khiến họ tò mò và làm họ bật cười. Tóm lại, hãy sáng tạo, dám khác biệt và khiến họ thấy ngạc nhiên.
6. Giúp họ cảm thấy điều gì đó
Hầu hết các bài thuyết trình kinh doanh đều rơi vào trạng thái buồn tẻ. Đừng chỉ nói, mà hãy cố gắng kết nối với họ bằng cảm xúc. Hãy hỏi bản thân rằng: “Mình muốn họ cảm thấy điều gì?”
7. Đừng bắt lãnh đạo phải đọc
Điều cuối cùng mà các ông chủ muốn làm là đọc các “slide” hay báo cáo trong khi bạn đang nói với họ.
Sẽ không còn là một bài thuyết trình hay một cuộc trò chuyện nếu họ buộc phải đọc. Đơn giản là bạn bắt họ đọc và họ sẽ không cảm ơn bạn vì điều đó.
Lời nói tạo hiệu ứng lớn hơn nhiều so với văn bản. Việc của bạn là đưa cuộc sống vào các báo cáo, bản cập nhật hay ý tưởng của mình. Bạn sẽ không bao giờ làm được điều đó nếu bạn bắt họ phải đọc.
8. Hãy chỉ ra quyền lợi của họ
Bản chất của con người là muốn mình trông thật đẹp đẽ và gây ấn tượng với khán giả của mình khi thuyết trình. Áp lực tự thân thường là nguyên nhân lớn nhất khiến nhiều chuyên gia có kinh nghiệm lo lắng.
Khi tất cả những gì bạn nghĩ là thể hiện bản thân như thế nào, nghĩa là bạn chỉ đang nghĩ về bản thân mình thay vì hướng tới khán giả của mình.
Thay vào đó, hãy tập trung vào việc bạn có thể giúp các lãnh đạo của mình như thế nào và bạn có thể làm cho cuộc sống, công việc, bộ phận hay công ty của họ tốt hơn và mạnh hơn như thế nào.
9. Hãy thư giãn
Thư giãn không có nghĩa là pha trò. Chỉ đơn giản là bạn không nghiêm trọng hóa mọi thứ. Hãy thư giãn, mỉm cười và pha chút hài hước.
Sếp của bạn cũng là con người và họ cũng thích thư giãn.
10. Hãy thoát ra khỏi những ám ảnh trong đầu
Bạn không cần phải hút thuốc hay sử dụng chất kích thích để giải tỏa tâm lý. Bạn chỉ cần “ở trong phòng” thay vì “ở trong đầu”.
Nhiều chuyên gia mắc phải sai lầm là không giữ cho tâm trí bình lặng trước khi gặp gỡ ông chủ. Họ bước vào phòng với cái đầu đang chứa một mớ hỗn độn những suy nghĩ và lo lắng. Điều đó không bao giờ có lợi cho cuộc trò chuyện của bạn.
- Nguyễn Thảo (Theo Life Hack)