Đã hơn 1 tháng kể từ khi Việt Nam chính thức công bố dịch Covid-19, N.Trang, một nhân viên văn phòng đang làm việc tại Hà Nội cho biết vẫn hạn chế ra ngoài, di chuyển bằng các phương tiện công cộng hay đến những nơi đông người. “Ngoài siêu thị dưới nhà, tôi thường mua thực phẩm và các đồ dùng hàng ngày trên một số trang thương mại điện tử và mua online ở các cửa hàng trên mạng. “Rất may là hàng hóa vẫn giao đúng hẹn”, chị Trang nói.
Trong khi thị trường mua bán truyền thống có phần ảm đạm thì mua bán trực tuyến và hoạt động giao hàng lại sôi động hơn. Do nhiều người lựa chọn ở nhà, các ứng dụng giao hàng chứng kiến số đơn đặt hàng tăng trưởng. Tuy nhiên, chính những nhân viên giao hàng cũng lo lắng vì thường tiếp xúc với nhiều người.
Vẫn giữ hoạt động bình thường trong mùa dịch, nhưng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao nhận tại thị trường Việt Nam đều yêu cầu các tài xế và nhân viên giao hàng đề cao chống dịch.
Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp tại nhiều tỉnh thành, Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã triển khai giao hàng hạn chế tiếp xúc để đảm bảo an toàn.
Theo hướng dẫn từ Viettel Post, trong quá trình tiếp xúc, 100% cán bộ nhân viên phải đeo khẩu trang, sát khuẩn tay trước/sau mỗi lần giao, nhận hàng hóa. Khi trao đổi hàng hóa, giấy tờ, ký nhận với khách hàng. Viettel Post khuyến cáo nhân viên bán hàng đeo găng tay y tế và không được tự ý thực hiện các động tác như cầm, nắm, bắt tay, chạm vào khách hàng.
Trong quá trình trao đổi hàng hóa, đội ngũ nhân viên bán hàng phải đứng cách xa khách hàng 1 mét; chỉ tiếp cận gần khách hàng khi tiếp nhận bưu phẩm hoặc thực hiện các thao tác nghiệp vụ. Hàng hóa sau tiếp nhận từ khách hàng phải cho vào sọt hàng hóa riêng để cách ly tại bưu cục; khi thực hiện khai thác yêu cầu 100% nhân viên phải đeo khẩu trang, găng tay. Sau mỗi khâu, nhân viên đều phải rửa tay bằng xà phòng theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đại diện Viettel Post cho biết: Sự cẩn trọng này của Viettel Post càng khiến khách hàng yên tâm hơn khi sử dụng dịch vụ bưu chính chuyển phát trong thời điểm dịch Covid - 19 đang có chiều hướng gia tăng tại nhiều tỉnh thành ở Việt Nam. Đồng thời, việc đảm bảo an toàn trong giao nhận bưu gửi sẽ giúp thúc đẩy hoạt động mua bán hàng hóa online nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân khi họ được khuyến cáo hạn chế tiếp xúc và đến những nơi đông người như siêu thị hay trung tâm thương mại.
Khá nhanh nhạy ngay khi dịch Covid-19 bùng phát, ngay từ đầu tháng 2, AhaMove ra mắt dịch vụ Mua hộ phi lợi nhuận (không thu phí chiết khấu của tài xế chạy dịch vụ) như một tiện ích với hi vọng hỗ trợ người dùng trong mùa dịch bệnh. Theo đó, tài xế AhaMove sẽ mua hộ khách hàng một số đồ dùng thiết yếu như nước rửa tay, cồn sát khuẩn,… ông Phạm Hữu Ngôn – CEO AhaMove cho hay: "Dịch vụ đang dừng ở mức độ thử nghiệm và thu được một số kết quả tích cực bước đầu và tiếp tục cải tiến trên cơ sở cùng làm việc với các đối tác để nâng cao trải nghiệm tốt hơn cho người dùng".
Về phía các nhân viên giao hàng, AhaMove yêu cầu các tài xế đeo khẩu trang và găng tay trong quá trình giao hàng để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Là một công ty hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa, tiếp xúc với nhiều người, CEO AhaMove cho ICTnews biết vẫn đang theo sát chỉ đạo của Chính phủ trong công tác phòng chống dịch bệnh nhằm hạn chế sự lây lan cũng như đảm bảo an toàn cho nhân viên.
Cụ thể, theo ông Phạm Hữu Ngôn, ngay từ sau Tết, AhaMove đã thực hiện khai báo nếu có tiếp xúc với các trường hợp nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid 19, các trường hợp có tiếp xúc với người tiếp xúc. Với các trường hợp có biểu hiện sốt hoặc ốm, có biểu hiện dịch tễ khi đi từ vùng dịch hay tiếp xúc với người đi từ vùng dịch về đều được yêu cầu tự cách ly và phải có giấy khám bệnh của cơ quan y tế có thẩm quyền mới được tiếp tục đến văn phòng.
“Vì là mô hình công ty công nghệ nên AhaMove sẵn sàng để nhân viên khối văn phòng làm việc tại nhà khi có chỉ đạo từ các cơ quan nhà nước. Chúng tôi cũng đặt ra các kịch bản và phương án xử lý trong các tình huống dịch bệnh xảy ra ở cấp độ cao hơn”, ông Ngôn nói.