- Tại buổi góp ý cho dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể diễn ra chiều 12/5 do Viện Nghiên cứu giáo dục (IRED) tổ chức, các giáo viên phổ thông ở TP.HCM cho rằng thầy cô không nên vô cảm với dự thảo. Họ cũng cho biết sức lực, thời gian của mình hầu như dành cho các kỳ thi, hầu như không có lúc lắng lại để làm mới mình.
Giáo viên không dám phản biện, sao dạy được học sinh phản biện?
Cô Trần Thuý Hằng, từng là giáo viên Trường THPT Trần Đại Nghĩa TP.HCM cho biết, các thầy cô mong mỏi chương trình hướng tới đào tạo chất lượng con người, hơn là chất lượng giảng dạy. Mặt khác, dự thảo cũng không đề cập tới việc đào tạo giáo viên như và thay đổi tư duy người học.
Cô Trần Thuý Hằng |
“Nếu không thay đổi được tư duy giáo viên, không đổi mới, không hướng mở thì mọi kế hoạch đều không thành công”- cô Hằng cho biết sự thiếu lạc quan này của mình, là có cơ sở vì ngay cả đề án ngoại ngữ 2020 đã triển khai 7 năm nhưng không có tiến triển vì tư duy của giáo viên không cởi mở.
“Là một giáo viên, chúng tôi phải chịu rất nhiều khó khăn. Đó là sự không đồng bộ từ trên xuống dưới. Chúng tôi cũng bị áp đặt quá nhiều về điểm số. Sự thật là nếu chúng tôi dạy hay thì điểm không cao. Muốn chúng tôi dạy hay thì phải cho chúng tôi tự do soạn giáo án, phương pháp, chương trình nhưng điều đã dạy lại không thi. Điều này dường như mâu thuẫn dạy cho cô thích, cho đam mê, hay để lấy điểm cao”- cô Hằng nhấn mạnh.
Theo cô Hằng, điều giáo viên mong hiện nay là được tập huấn nhiều hơn về tư duy, phương pháp tiếp cận, gợi mở tư duy phản biện cho học sinh chứ không phải là tập huấn về chương trình.
Vị giáo viên này cũng kể rằng, khi đưa học sinh của mình đi thi ở nước ngoài, các em nói "Học sinh các nước không học giỏi hơn các em, mà chỉ học khác là được học phản biện".
Theo cô, nếu không đồng bộ thì chương trình sẽ khó thành công, vì vậy giáo viên không nên vô cảm với dự thảo.
“Nếu giáo viên không dám phản biện thì không thể nào đào tạo ra con người phản biện”.
Cô Lê Thị Nga giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn (Quận 3) cho rằng, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đặt ra hàng loạt các tiêu chí nhưng chưa có thang nào để kiểm tra đánh giá. Mặt khác, giáo viên đang chịu nhiều áp lực khi thử nghiệm nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau nhưng khi thi cử lại áp dụng tiêu chuẩn do Bộ đề ra.
Cô Lê Thị Nga |
“15 năm đi dạy, tôi đúc kết rằng “cuộc đời là những cuộc thi”. Chúng tôi cứ thi hết cái này rồi tới cái khác, ngay bản thân tôi cũng không có thời gian dành cho mình nên khi làm gì đều rất bối rối. Nhiều học sinh bảo tôi rằng, cô làm em bối rối. Nhưng tôi lại nói chính các em làm cô bối rối, vì các em làm cô phải nghĩ làm sao đảm bảo cái này, cái kia mà vẫn phải đủ thời gian với nhiều rất nhiều yêu cầu”- cô Nga chia sẻ.
Cô Nga cho biết thêm, hiện nay phương pháp giảng dạy đang đi trước nội dung giảng dạy.
“Quyển tập tôi đang cầm đây là dạy học theo hướng đánh giá năng lực học sinh đã được tập huấn hai năm nay".
Đổi mà chưa mới
Là một phụ huynh có con đang học lớp 2 và một bé sang năm vào lớp 1, ông Phạm Thái Sơn không khỏi lo lắng:
"Con đầu của tôi đang học lớp 2 tại một trường điểm ở quận Gò Vấp với sĩ số là 58 em. Với cách làm của chương trình mới, cộng thêm hoạt động trải nghiệm sáng tạo thì lấy chỗ nào để triển khai hoạt động này. Ở các tỉnh khác thì làm thế nào?”- ông Sơn đặt câu hỏi.
Giáo viên nghiên cứu chương trình giáo dục phổ thông |
Ông Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cho rằng, để tránh việc "đổ lỗi cho nhau", các bên liên quan cần tăng cường ngồi lại với nhau, mang tính hệ thống.
"Tôi mong muốn có sự phân luồng cho học sinh, học những gì thiết thực và phù hợp cho lĩnh vực nghề nghiệp thuộc về năng lực sở trường của các em, tránh việc bắt các em phải học, phải làm theo sở đoản"- ông Lý nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, vấn đề giảm tải chương trình không nằm ở số lượng tiết học, chương trình học mà nguyên do là giáo viên ra bài tập quá nhiều bài tập, cách dạy nhồi hét.
Ông Tống đề xuất, phải đặt trọng tâm cải cách giáo dục là cải tổ giáo viên, các thầy cô giáo phải đứng ra làm những việc này chứ không nên chờ chỉ đạo từ trên xuống.
"Mỗi giáo viên, mỗi trường, mỗi địa phương phải tự động cải tổ chính mình trong phạm vị luật lệ quản lý. Phụ huynh, học sinh là những người đánh giá khách quan nhất việc cải tổ này".
Trước đó, khi mở đầu buổi toạ đàm, TS Lương Hoài Nam, một doanh nhân quan tâm nhiều về giáo dục nêu lại vấn đề triết lý giáo dục: "Ta muốn đào tạo ra con người công cụ hay con người sáng tạo? Con người nô lệ hay con người làm chủ? Ta muốn đào tạo ra con người chỉ biết nghe theo làm theo hay con người sáng tạo ra nhiều thứ. Con người sẵn sàng trèo lên đỉnh Everest dù chỉ để chết trên đó hay con người chỉ mới bỏ xe máy chuyển qua đi xe đạp thì đã tuột đường huyết?".
Theo ông Nam, chương trình mới vẫn quá nặng, học sinh phải học 11,12 môn. Có các môn bắt buộc và các môn “tự chọn bắt buộc” là điều kỳ quặc chẳng giống ai.
Ngoài ra, cần phân quyền cho địap phương, nhà trường, giáo viên nhiều hơn. Ở Mỹ và Phần Lan, địa phương có 100% quyền tự chủ về giáo dục; con số này ở Pháp là 20%, còn VN chỉ có 5%.
Ông Trần Đình Lý |
Còn TS Nguyễn Khánh Trung, Viện IRED thì khẳng định, yếu tố quan trọng của giáo dục là tự chủ, sự phản biện để nâng cao sức sáng tạo, phát minh, phát kiến.
Ông Trung đề xuất nên để hiệu trưởng và giáo viên chọn sách giáo khoa dạy sao cho phù hợp với từng vùng miền, vì chương trình học mới quan trọng, sách giáo khoa chỉ là công cụ.
Theo ông Giản Tư Trung, Viện trưởng Viện IRED, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông đã có đổi mới, nhưng chưa "căn bản và toàn diện".
Ông Giản Tư Trung |
“Đổi mới căn bản là đổi mới về tư tưởng và triết lý, còn đổi mới toàn diện là đổi mới vai trò của cả 5 chủ thể then chốt trong hệ thống giáo dục gồm nhà trường, nhà giáo, nhà nước, gia đình và học sinh. Lâu nay, chúng ta đổi mới giáo dục nhiều lần nhưng tại sao “đổi hoài mà không mới”. Tôi nghĩ có nhiều lý do, nhưng một lý do quan trọng là chúng ta chưa làm rõ giáo dục mới đó là gì”- ông Trung gợi mở.
Sẽ rà soát 1.4 triệu giáo viên và đào tạo lại |
Tại buổi tiếp xúc cử tri là cán bộ quản lý ngành giáo dục thành phố Quy Nhơn và Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định ngày 12/5, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, hiện tại chương trình cũ đang dạy các tiết học rời rạc, theo hướng kiến thức, còn cách dạy mới là tổng hợp kiến thức, tích hợp các môn dẫn tới việc nhiều giáo viên đang đứng lớp phải bồi dưỡng, đào tạo lại. Hiện tại, Chính phủ đã đề nghị xây dựng đề án đào tạo bỗi dưỡng giáo viên đáp ứng theo chuẩn mới. Ban soạn thảo đề án hiện đang rà soát xây dựng các chuẩn giáo viên và chuẩn quản lý, đào tạo theo chuẩn mới. Trước mắt, sẽ rà soát các tiêu chuẩn của khoảng 1,4 triệu giáo viên hiện có, sau đó xây dựng các chương trình bồi dưỡng cho giáo viên đạt mức chuẩn cơ bản theo chương trình mới và tổ chức đào tạo bồi dưỡng. Nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng sẽ do các trường sư phạm đảm nhiệm. Ông Nhạ cũng cho biết, bắt đầu từ tháng 9 năm nay các trường sư phạm sẽ đào tạo giáo viên cốt cán theo hình thức cuốn chiếu, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2023. Đối với những giáo viên lớn tuổi có nhu cầu xin nghỉ hưu sớm, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ xem xét, tạo điều kiện giải quyết với chế độ phù hợp. Theo TTXVN |
Lê Huyền