2016 là năm thành công của Tổng thống Nga Vladimir Putin, và rất có thể 2017 tiếp tục là năm thắng lợi nữa của "ông chủ" Kremlin.

Nga đã dàn xếp được một thỏa thuận ngừng bắn ở Syria, khiến Mỹ phải dạt sang bên lề. Nhà lãnh đạo Nga cũng nhận được những lời ca ngợi từ Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, khi ông Putin tuyên bố không trả đũa đòn trừng phạt của chính quyền Obama nhằm vào Moscow.

{keywords}
Ảnh: AP

"Chúng ta đang làm việc, và đang làm việc thành công, và chúng ta đang đạt được rất nhiều", Tổng thống Putin nhấn mạnh trong bài phát biểu năm mới gửi tới toàn dân Nga. "Tôi muốn cảm ơn mọi người về những chiến thắng và thành tựu, về sự thấu hiểu và tin tưởng của mọi người, về sự quan tâm chân thành và thực sự của mọi người dành cho nước Nga".

Putin rất được lòng người dân trong nước, và uy tín của ông ở ngoài nước cũng tăng cao nhờ vai trò dẫn đầu của Nga trong tiến trình hòa bình ở Syria và ngày càng nhiều nước trong liên minh phương Tây muốn cải thiện quan hệ với Moscow. Có thể nói năm 2016 là một năm thành công của Putin, và dường như đà chiến thắng ấy của Kremlin là không gì cản nổi.

Tuy nhiên, tờ Washington Post cho rằng, trong năm 2017, mục tiêu của ông Putin nhằm đảm bảo những lợi ích cốt lõi của Nga là rất hạn chế. Sức mạnh mà ông muốn phóng chiếu ra bên ngoài cũng vậy, vì kinh tế Nga vẫn yếu kém và tầm vươn của nước này ra toàn cầu khá nhỏ bé so với Mỹ.

Báo trên nhận định, nhà lãnh đạo Nga không thể hành động một mình mà phụ thuộc nhiều vào mức độ hợp tác của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.

"Putin đang cố gắng ghép nối các quy định mới cho thế giới nhờ chút ít giúp đỡ từ một số nhân vật ở phương Tây. Tuy nhiên, về kinh tế, Nga vẫn rất yếu ớt", Washington Post dẫn lời nhận định Andrei Kolesnikov, một thành viên cấp cao tại Trung Tâm Carnegie Moscow, cho hay.

GDP của Nga hiện giảm nhiều so với 3 năm trước. Theo Moscow Times, GDP của Nga đạt đỉnh 2,2 nghìn tỷ USD vào năm 2013 và sau đó giảm còn 1,3 nghìn tỷ, thấp hơn cả Italy, Brazil và Canada. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, GDP tính theo đầu người ở Nga đạt dưới 9.000USD.

Ngoài ra, kinh tế Nga vẫn còn phụ thuộc vào xuất khẩu các nguồn lực tự nhiên. Việc cải cách cấu trúc nền kinh tế thì trì trệ.

Theo phân tích cuối năm vừa qua của trang Gazeta, tỷ lệ người Nga có tiết kiệm giảm từ 72% năm 2013 xuống còn 27% năm 2016. Lần đầu tiên trong 7 năm, người Nga chi tiêu nhiều hơn một nửa số tiền họ có vào thực phẩm và tạp hóa.

Thanh Hảo