- Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất bầu cử đại biểu QH khóa 14 được UB TƯ MTTQ VN tổ chức sáng nay tại Hà Nội.

Ông Lù Văn Que, ủy viên Đoàn chủ tịch UB TƯ MTTQ VN cho rằng thành phần ĐB ngoài Đảng dự kiến chỉ có 35 người thì ít quá.

{keywords}
Ông Lù Văn Que

“Như vậy QH toàn đảng viên, không cẩn thận người ta nói QH là hội nghị đảng viên mở rộng. Tôi cho rằng cái này chưa hợp lòng dân”, ông Lù Văn Que nhấn mạnh.

Theo ông, người ngoài Đảng có nhiều ĐB ưu tú chứ không chỉ có đảng viên. Vì vậy cần cân nhắc điều này.

Bà Đặng Huỳnh Mai, ủy viên Đoàn Chủ tịch cũng đề nghị cần có cơ cấu chiến lược đối với ĐB là người ngoài Đảng như DN tư nhân. Bà nhắc lại trường hợp của nguyên Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Huyên chính Bác Hồ khuyên không nên vào Đảng để có người trong Đảng, người ngoài Đảng như một điển hình về việc trọng dụng người ngoài Đảng.

Đồng tình, Phó Chủ tịch MTTQ VN Trần Hoàng Thám nhấn mạnh làm sao cố gắng có nhiều ĐB là người ngoài Đảng. “Chúng ta nên tăng ĐB ngoài Đảng nhiều hơn nữa. Người ngoài Đảng đảm bảo tiêu chuẩn ĐBQH còn nhiều lắm”, ông nói.

Ông Thám cũng đề nghị nên khuyến khích người tự ứng cử. Theo ông, trong danh sách cơ cấu chưa đề cập đến số người tự ứng cử. Vì vậy cần đưa cơ cấu người tự ứng cử là bao nhiều để các địa phương mạnh dạn thực hiện, khuyến khích không khí dân chủ.

{keywords}
Chủ tịch UB TƯ MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân

Thay mặt Hội đồng bầu cử, Chủ tịch MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân cho biết, cơ cấu ĐB ngoài Đảng dự kiến từ 25 đến 50 người. Qua nhiều ý kiến đề nghị tăng thêm số ĐB là người ngoài Đảng, Hội đồng bầu cử sẽ xem xét việc này.

Tăng ĐB chuyên trách, giảm ĐB hành pháp

Nói về dự kiến cơ cấu, thành phần ĐBQH khóa 14, Trưởng Ban công tác đại biểu của UBTVQH Nguyễn Thị Nương cho biết số ĐBQH theo cơ cấu dự kiến ở trung ương là 198, chiếm 39,6%; ở địa phương là 302.

{keywords}
Trưởng Ban công tác đại biểu của UBTVQH Nguyễn Thị Nương

Theo phân bổ, thành phần ĐBQH ở trung ương, các cơ quan của QH có 114 ĐB, nhiều nhất và tăng 15 người so với khóa 13. Trong đó dự kiến 20% là nữ, 10% là người dân tộc thiểu số.  

Số ĐB ở trung ương được phân bổ từ các cơ quan khác vẫn giữ nguyên như khóa cũ. Cụ thể, cơ quan Đảng có 11 ĐB, Văn phòng Chủ tịch nước có 3 ĐB, cơ quan Chính phủ và trực thuộc Chính phủ 18 ĐB, Bộ Quốc phòng 15 ĐB, Bộ Công an có 3 ĐB. Riêng TANDTC, VKSNDTC và Kiểm toán nhà nước, mỗi cơ quan có 1 ĐB.

MTTQ VN và các tổ chức thành viên có 31 ĐB.

Dù theo cơ cấu, số ĐB chuyên trách tăng 15 người so với nhiệm kỳ trước nhưng nhiều ý kiến cho rằng như vậy vẫn còn ít và đề nghị tăng thêm. Đồng thời giảm số lượng ĐB của các cơ quan hành pháp.

“Tôi muốn cơ quan hành pháp giảm xuống nữa. ĐB cơ quan hành pháp chỉ cần 9 người thay vì 18”, ông Trần Hoàng Thám đề nghị.

Ông Đỗ Duy Thường, ủy viên Đoàn chủ tịch cũng nêu thực trạng vì ĐB khối hành pháp nhiều nên có những buổi họp QH ghế trống nhiều quá, các ĐB bận việc phải về giải quyết. Vì vậy ông cũng đề nghị nên xem xét giảm số lượng ĐB của các cơ quan hành pháp.

{keywords}
Ông Lê Truyền

Ông Lê Truyền, ủy viên Đoàn chủ tịch cũng nêu thắc mắc tăng cơ cấu ĐB chuyên trách đã có nhưng giảm cơ cấu ĐB khối hành pháp chưa thấy. “Ví dụ như Văn phòng Chủ tịch nước có 3 lãnh đạo thì cả 3 vào QH hết. Nếu thực hiện nghiêm giờ giấc họp QH, lãnh đạo đi họp hết thì ai giải quyết công việc ở cơ quan”, ông Truyền dẫn chứng.

Theo ông, không nhất  thiết cứ người đứng đầu cơ quan là phải vào QH, miễn là người đại diện đủ tiêu chuẩn là được. “Người đứng đầu đã nhiều việc lại thêm QH nữa tài nào làm tròn hết các trách nhiệm đó”, ông lưu ý.

Chủ tịch MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân cho biết, theo cơ cấu chưa rõ giảm ĐB từ cơ quan hành pháp là bao nhiêu, giảm ở đâu. Ở Trung ương chưa giảm, vậy địa phương giảm bao nhiêu? Vì vậy theo ông, nên bàn thêm việc này và có chỉ tiêu định lượng giảm số ĐB ở các cơ quan hành chính ở địa phương là bao nhiêu.

Trung ương cũng phải có số dư

Nhiều ý kiến cũng đề nghị phải chú trọng đến tiêu chuẩn của ĐB chứ không chỉ đúng cơ cấu, thành phần.

Theo ông Đỗ Duy Thường, tiêu chuẩn ĐB cụ thể như thế nào Mặt trận cần xem xét kỹ lưỡng và phải đảm bảo số dư.

{keywords}
Ông Đỗ Duy Thường

“Vậy trung ương có số dư không? Nếu đây là số lượng được bầu thì danh sách phải có số dư, tức là phải lớn hơn con số 198. Rất mong trung ương có số dư, không dồn hết số dư cho địa phương”, ông đặt vấn đề.  

Theo ông, việc Trung ương có số dư sẽ đảm bảo dân chủ, thể hiện mở rộng dân chủ, bình đẳng giữa trung ương và địa phương.

Trả lời câu hỏi của ông Thường, Phó Chủ tịch MTTQ VN Vũ Trọng Kim cho biết 198 ĐB trung ương theo cơ cấu có thể chuyển hóa thành số dư nếu không được bầu. “Trung ương và địa phương hòa với nhau trong suốt cả quá trình nên chúng ta không căn ke quá”, ông nói.

Thu Hằng - Ảnh: Hoàng Long