Dưới đây là 5 sự kiện và vấn đề nổi bật trong năm 2024 của ngành ô tô Việt Nam theo ghi nhận của VietNamNet:

1. Tiếp tục ưu đãi 50% lệ phí trước bạ cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước

Trong năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2024/NĐ-CP ngày 29/8/2024 quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% so với quy định hiện hành, áp dụng trong 3 tháng 9-10-11/2024.

W-showroom o to mazda.jpg
Chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước đã tạo cú hích cho thị trường ô tô Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hiệp

Đây là lần thứ 4 chính sách này được áp dụng nhằm kích cầu thị trường, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Ba lần trước áp dụng vào các năm 2020, 2021-2022 và 2023 với mỗi đợt kéo dài 6 tháng.

Dù áp dụng với thời gian ngắn hơn những đợt trước đó nhưng việc giảm lệ phí trước bạ vừa qua đã tạo ra một cú hích quan trọng cho thị trường ô tô trong nước. Theo báo cáo của VAMA, trong 3 tháng được ưu đãi 50% lệ phí trước bạ (tháng 9-10-11), tổng lượng xe bán ra là 119.546 chiếc, tăng tới 48,2% so với 3 tháng liền trước đó.

Cũng nhờ cú hích này, nhiều mẫu xe sản xuất trong nước cũng như xe nhập khẩu được các hãng điều chỉnh giá niêm yết và khuyến mãi, giảm giá sâu nhằm kích cầu, điều hiếm khi xảy ra vào các năm trước đây.

2. Triển lãm Ô tô Việt Nam được tái tổ chức trong bối cảnh mới

Triển lãm Ô tô Việt Nam (VietNam Motor Show - VMS) là sự kiện thường niên lớn nhất ngành ô tô hàng năm. Sau một năm 2023 tạm dừng tổ chức với nhiều lý do, VMS đã trở lại vào cuối tháng 10/2024 với nhiều điểm "lạ".

Lần đầu tiên, một triển lãm ô tô chỉ có sự xuất hiện của vỏn vẹn 11 thương hiệu xe hơi tham dự là GAC, Isuzu, Mitsubishi, Honda, Skoda, Subaru, Suzuki, Toyota, MG, BYD và GAZ, ít hơn 3 thương hiệu so với kỳ triển lãm liền trước vào năm 2022.

Vietnam Motor Show 2024.jpg
Triển lãm Ô tô Việt Nam 2024 thiếu vắng hoàn toàn những thương hiệu xe sang. Ảnh: VMS

Việc "quay lưng" của tất cả các thương hiệu xe sang tại Việt Nam như Mercedes-Benz, BMW, Lexus, Audi, Volvo, Volkswagen,... đồng thời, vắng bóng nhiều thương hiệu xe phổ thông được người Việt yêu thích như VinFast, Hyundai, KIA, Mazda, Peugeot,... đã khiến sức hút của VMS giảm sút.

Bù lại, đơn vị tổ chức cố gắng tạo ra sự mới mẻ trong triển lãm với điểm nhấn là sự xuất hiện của các mẫu xe thân thiện với môi trường (xe điện, xe hybrid) đến từ nhiều hãng xe vừa cũ vừa mới. Các hãng xe Trung Quốc lần đầu góp mặt cũng đem đến sự tò mò, lạ lẫm cho những người quan tâm.

Đồng thời, VMS 2024 lần đầu có sự góp mặt của hàng loạt thương hiệu xe máy như Honda, SYM, Yamaha, UM Motorcycles, Harley-Davidson, Triumph, KTM và Husqvarna. Điều này cho thấy sự thay đổi của các nhà tổ chức VMS trong việc tiếp cận khách hàng trong bối cảnh nhiều hãng xe đã không còn mặn mà với triển lãm này.

3. VinFast mạnh mẽ vươn lên vị trí số 1 thị trường

Sự kiện hãng xe VinFast trở thành thương hiệu bán chạy nhất Việt Nam (xác lập từ tháng 10/2024) là dấu mốc quan trọng, mang ý nghĩa bước ngoặt với ngành công nghiệp ô tô nước nhà.

Theo công bố mới nhất từ VinFast, trong tháng 11/2024, hãng xe điện Việt Nam đã bàn giao hơn 16.000 ô tô điện các loại, nâng tổng số bán ra trong 11 tháng đầu năm 2024 lên hơn 67.000 xe tại thị trường nội địa. Dự báo trong cả năm 2024, VinFast có lượng bán ra hơn 80.000 chiếc, dẫn đầu thị trường và vượt xa các hãng xe ngoại quốc từng nhiều năm "làm mưa làm gió" là Hyundai và Toyota để chiếm lĩnh thị phần lớn nhất, dẫn dắt thị trường ngay tại "sân nhà".

VinFast VF3.webp
VinFast VF 3 xuất hiện và lập tức trở thành "hiện tượng" thu hút mọi ánh nhìn. Ảnh: VF

Chỉ trong vòng 5 năm gia nhập thị trường, và 2 năm chuyển đổi sang xe thuần điện, VinFast đã cho ra mắt gần kín dải sản phẩm xe điện của mình, từ VF e34, VF8, VF9, VF 5, VF 6, VF 7 và đặc biệt là "hiện tượng" VF 3 ra mắt vào tháng 5/2024. Điều này cho thấy tiềm lực mạnh mẽ và định hướng đúng đắn trong phát triên sản phẩm của hãng xe thuộc tập đoàn VinGroup. Đồng thời khẳng định năng lực, bản lĩnh của người Việt trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao.

Song song với phát triển sản phẩm và bán hàng, hãng xe điện Việt Nam liên tục phát triển hệ thống trạm sạc rộng khắp 63/63 tỉnh thành với trên 150.000 cổng sạc. Cuối năm 2024, VinFast còn tiếp tục cho thấy độ "chiều khách" của mình khi quyết định miễn phí sạc pin cho toàn bộ ô tô điện của hãng (bao gồm cả các hãng đối tác chạy dịch vụ vận tải) tại hệ thống trạm công cộng V-Green trên toàn quốc, áp dụng đến hết tháng 6/2027.

4. Làn sóng ô tô Trung Quốc cấp tập vào Việt Nam

Chỉ trong năm 2024, thị trường ô tô Việt Nam đón nhận đến 7 hãng ô tô mới đến từ Trung Quốc, số lượng nhiều nhất từ trước đến nay tính trong một năm, đưa tổng số thương hiệu xe từ quốc gia láng giềng lên 13 (chưa kể các hãng phân phối nhỏ lẻ, ngắt quãng như Brilliance, Beijing...). Số lượng các hãng xe Trung Quốc hiện nhiều nhất thị trường, vượt qua Nhật Bản với 9 thương hiệu đang có mặt tại Việt Nam.

Có thể kể đến sự góp mặt của BYD vào thị trường Việt Nam từ tháng 7/2024. Trong 2025, hãng xe Trung Quốc này úp mở việc tiếp tục cho ra mắt thêm nhiều mẫu xe mới để đa dạng hóa danh mục sản phẩm của mình.

W-Ra mat 3 dong xe BYD.jpg
BYD là 1 trong 7 hãng xe Trung Quốc đặt chân đến Việt Nam vào năm 2024. Ảnh: Hoàng Hiệp

Omoda & Jaecoo - hai thương hiệu thuộc tập đoàn Chery cũng bắt đầu hoạt động kinh doanh của mình tại Việt Nam vào tháng 11/2024. Trước đó, hãng mẹ Chery từng xuất hiện tại Việt Nam hồi 2009 nhưng kinh doanh không thành công. Trong lần trở lại này, hãng bắt tay với đối tác phân phối là công ty Geleximco và lên kế hoạch xây dựng nhà máy tại Thái Bình trong 2025.

GAC - thương hiệu thuộc Tập đoàn ô tô Quảng Châu cũng bắt đầu hoạt động kinh doanh tại Việt Nam từ tháng 8/2024. 

Một thương hiệu cũng thuộc Tập đoàn ô tô Quảng Châu khác là Aion cũng xuất hiện tại Việt Nam trong năm 2024 với hai sản phẩm là Aion ES (sedan cỡ D) và Y Plus (CUV cỡ B+). Dù "cùng một mẹ" nhưng khi về Việt Nam, Aion lại không có mối liên hệ nào với GAC về nhà phân phối. Trong khi GAC tại Việt Nam được phân phối bởi đối tác Tanchong - công ty từng phân phối thương hiệu Nissan trước đó, thì Aion lại được Harmony Việt Nam (thuộc Harmony Group - Trung Quốc) nắm quyền nhập khẩu và phân phối.

Ngoài các hãng xe kể trên, Geely và Zeekr thông qua đối tác phân phối Tasco cũng vào Việt Nam trong 2024 nhưng chưa có hoạt động kinh doanh cụ thể.

Trước đó, vào năm 2023, các thương hiệu lớn như Wuling, Lynk&Co, Haval hay Haima,... cũng gia nhập thị trường Việt Nam, phủ đầy các phân khúc từ động cơ xăng, hybrid đến xe thuần điện và với mức giá từ 200-300 triệu đến hơn 1 tỷ đồng.

5. Thu hút xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước

Sự lớn mạnh của các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là những doanh nghiệp đầu tàu cho thấy ngành công nghiệp ô tô Việt Nam ngày một hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Bằng chứng là các hãng xe ô tô trên thế giới đang nỗ lực chọn Việt Nam là “cứ điểm” để xây dựng nhà máy sản xuất ô tô thay vì nhập khẩu về bán như trước đây.

Đơn cử như “ông lớn” trong ngành phân phối xe tại Việt Nam là Tasco đã chính thức ký kết Hợp đồng liên doanh lắp ráp và phân phối xe ô tô tại Việt Nam với tập đoàn Geely và ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác chiến lược 3 bên với BQL Khu Kinh tế và các khu CN tỉnh Thái Bình.

san xuat xe.jpeg
Việt Nam thu hút được nhiều nhà đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Ảnh: Tasco

Liên doanh Tasco và Geely có công suất sản xuất thiết kế đạt 75.000 xe/năm cho giai đoạn 1, phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang một số nước. Tổng vốn đầu tư của dự án dự kiến khoảng 168 triệu USD, trong đó Tasco góp vốn 64%, Tập đoàn Geely góp 36%.

Theo kế hoạch, liên doanh sẽ bước đầu lắp ráp các dòng xe thuộc thương hiệu Lynk&Co và Geely Auto, trong tương lai có thể mở rộng lắp ráp các thương hiệu xe khác. Nhà máy dự kiến sẽ được khởi công xây dựng trong nửa đầu năm 2025 và bàn giao mẫu xe đầu tiên tới khách hàng trong đầu năm 2026.

Trước đó, UBND tỉnh Thái Bình cũng đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp cho liên doanh Geleximco - Chery. Liên doanh này đã lên kế xây dựng nhà máy sản xuất ô tô tại KCN Hưng Phú, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình với tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 800 triệu USD, chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên dự kiến sẽ hoàn thành vào quý I/2026.

Cũng trong năm 2024, TC Motor và Skoda Auto đã có thỏa thuận hợp tác chiến lược và lên kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất xe Skoda tại tỉnh Quảng Ninh. Hãng xe CH Séc Skoda chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á đặt nhà máy lắp ráp ô tô với dây chuyền sản xuất, lắp ráp áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn của châu Âu với mức độ tự động hóa cao.

Bạn có bình luận gì về những vấn đề nổi bật nói trên trong năm 2024? Hãy để lại ý kiến phía dưới bài viết. Mời bạn đọc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!