Mobile Money sẽ giúp người dân tại mọi vùng miền có thể thanh toán trực tuyến dễ dàng. Ảnh Internet |
Trao đổi tại Hội nghị ASEAN về phát triển mạng 5G vừa diễn ra tại Hà Nội, đại diện Tập đoàn VNPT nhận định trong quá trình chuyển đổi số đang diễn ra trên mọi lĩnh vực tại Việt Nam, thời gian tới khi công nghệ 5G được thương mại hóa sẽ đem lại lợi ích lớn cho mọi lĩnh vực.
Công nghệ 5G sẽ thúc đẩy sự phát triển của hàng loạt công nghệ mới (AI, IoT, thực tại ảo, Blockchain…); giúp tối ưu hóa hoạt động của cơ quan Chính phủ, tăng năng suất lao động trong các ngành, giúp tương tác tốt hơn giữa Chính phủ - công dân.
Trong đó đối với lĩnh vực tài chính, công nghệ 5G với ưu điểm tốc độ truyền dữ liệu cao, độ trễ thấp sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của Mobile Money (thanh toán qua di động).
“Hy vọng Chính phủ sẽ cấp phép chính thức để người dân, đặc biệt là những người dân vùng sâu vùng xa được thụ hưởng”, đại diện VNPT nói.
Liên quan đến vấn đề thanh toán điện tử, thực tế tại Việt Nam cho thấy, dù các hình thức thanh toán số như thẻ ngân hàng, ví điện tử, QR code đều đã được cung cấp từ nhiều năm nay nhưng hiện tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt vẫn rất thấp, ước tính chưa tới 5% tổng phương tiện thanh toán.
Trong khi đó, Mobile Money – hình thức sử dụng tài khoản di động để thanh toán được đánh giá có nhiều tiềm năng khi hầu hết người dân tại Việt Nam đều sở hữu điện thoại di động. Sự phát triển thanh toán qua di động sẽ tạo ra cú huých mạnh mẽ cho sự phát triển thanh toán điện tử tại Việt Nam.
Nắm bắt nhu cầu, thời gian qua các doanh nghiệp viễn thông lớn như Viettel, VNPT và MobiFone đều đã đề xuất Chính phủ sớm có chính sách cho doanh nghiệp viễn thông tham gia vào thanh toán điện tử.
Trong khi số tài khoản ngân hàng chỉ mới phủ tới 30-40% người dân thì hệ thống tài khoản viễn thông lại có vùng phủ xấp xỉ 100%. Do đó nếu Chính phủ cấp phép cho Mobile Money, dịch vụ ngân hàng điện tử có thể nhanh chóng phủ tới 100% người dân.
Trong khi đó, doanh nghiệp viễn thông tại Việt Nam cũng đã sẵn sàng cho loại hình thanh toán này. Như với VNPT, tập đoàn này đang quản lý mạng di động VinaPhone với hơn 70.000 trạm thu phát sóng, phủ sóng 100% dân số cả nước, sở hữu kênh bán hàng rộng khắp các vùng miền.
VNPT cũng đang sở hữu nền tảng thanh toán VNPT Pay kết nối với hệ thống các ngân hàng, cho phép khách hàng có thể thanh toán cước dịch vụ viễn thông, mua vé máy bay, thanh toán bảo hiểm, tiền điện nước, vé xem phim... tại bất cứ nơi đâu, thời gian nào.
Trước đó, Bộ TT&TT cũng đã trình Chính phủ Đề án cho phép người dùng sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán các dịch vụ nội dung số.
Theo Đề án, thuê bao của các nhà mạng và công ty nội dung số được nạp tiền chung tài khoản viễn thông để thanh toán khi mua các hàng hoá có giá trị nhỏ cũng như các dịch vụ thanh toán trực tuyến khác.
Tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2019 của Bộ TT&TT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ đồng thí điểm sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán các khoản nhỏ lẻ.