Các phòng phiếu mở cửa lúc 8h ngày 14/5 (giờ địa phương) và đóng cửa lúc 17h cùng ngày. Theo luật bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ, bất cứ động thái công bố kết quả nào đều bị cấm cho đến 21h cùng ngày.

Theo TASS, cuộc bầu cử đặc biệt một phần vì được tổ chức vào đúng năm kỷ niệm 100 năm thành lập Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng cộng sẽ có 191.884 hòm phiếu được đặt trong và ngoài nước.

Trong danh sách ứng cử viên tuyên bố tranh cử tổng thống có 3 cái tên, nhưng trên thực tế đây là cuộc đua giữa một bên là đương kim Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và một bên là lãnh đạo đảng Nhân dân Cộng hòa đối lập, ông Kemal Kilicdaroglu.

Đây được coi là cuộc sát hạch quan trọng đối với đương kim Tổng thống Erdogan trong bối cảnh lạm phát đã và đang khiến giá các mặt hàng tiêu dùng cũng như giá nhà ở tại Thổ Nhĩ Kỳ tăng vọt.

Bỏ phiếu tại Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Moscow. Ảnh: RIA Novosti

Các cuộc thăm dò trước bầu cử cho thấy cuộc đua giữa Tổng thống Erdogan và đối thủ Kilicdaroglu vẫn đang khá cân bằng.

Theo quy định của Thổ Nhĩ Kỳ, một ứng cử viên cần nhận được hơn 50% phiếu bầu để tránh khả năng phải tiến hành vòng bỏ phiếu thứ 2.

An ninh tại Thổ Nhĩ Kỳ đã được tăng cường vài ngày trước cuộc bỏ phiếu để đảm bảo các công dân thực hiện quyền bầu cử của họ một cách an toàn.

Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleiman Soylu cho biết, hơn 600 nghìn nhân viên thực thi pháp luật đảm bảo an ninh cho các cuộc bầu cử ở nước này.

“601 nghìn nhân viên thực thi pháp luật đảm bảo an ninh. 79 trực thăng, 8 máy bay chiến đấu tham gia công tác an ninh”, ông Soylu nói.

Ông nói thêm rằng các biện pháp đã được thực hiện để chống lại các cuộc tấn công mạng và ngăn sự cố mất điện.

Theo Bộ trưởng Soylu, không có vấn đề phát sinh nào trong quá trình bỏ phiếu tại vùng bị động đất tàn phá ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ.

“Ngay từ sáng sớm đã có rất nhiều hoạt động. Tôi tin rằng người dân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đưa ra quyết định đúng đắn nhất”, Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh.