Chất lượng sản phẩm khi mua hàng trực tuyến vẫn là điều lo lắng

Báo cáo nghiên cứu thị trường về hành vi tiêu dùng thông minh của NielsenIQ Việt Nam (NIQ) và GfK thực hiện mới đây cho thấy, nền kinh tế kỹ thuật số đang được coi là một trong những động lực tăng trưởng chính của Việt Nam khi 60,7% người tiêu dùng thực hiện mua sắm online hằng tuần.

Tỷ lệ đóng góp của kinh tế số vào GDP quốc gia dự kiến năm 2025 ở mức bình thường sẽ là 10,4%, mức nhanh sẽ lên tới 19.9% và đột phá con số lên tới 26,2%.

muasamonline.png
Chất lượng sản phẩm vẫn là điều người mua sắm online lo lắng. Ảnh minh hoạ.

Xu hướng của người tiêu dùng đang có ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế số hiện nay. Cụ thể, báo cáo cho biết, 64% người dân Việt Nam nghĩ đang trong thời kỳ suy thoái kinh tế, 55% cảm thấy căng thẳng, lo âu nhiều so với trước đây, chính vì thế tiết kiệm là yếu tố quan trọng để người tiêu dùng phấn đấu vượt qua thời điểm khó khăn này.

Để tiết kiệm chi phí, mua sắm online trở thành một trong những yếu tố giúp người tiêu dùng cắt giảm và thắt chặt chi tiêu trong thời kỳ suy thoái.

Hình thức mua sắm này giúp người dùng chọn được các cửa hàng giảm giá, kiểm soát chi phí giỏ hàng, tìm kiếm các ưu đãi và giảm số lần đến cửa hàng mua sắm trực tiếp, giúp giảm kinh phí di chuyển. 

Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm vẫn là mối quan tâm hàng đầu của người mua hàng trực tuyến, khi 84% người mua sắm online lo lắng về vấn đề này.

Mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp

Việc người tiêu dùng chọn hình thức mua sắm online để tiết kiệm và điều đó cũng khiến họ chú trọng vào giá trị sản phẩm hơn.

Người tiêu dùng biết rằng, họ có thể tìm thấy giá thấp hằng ngày trên các cửa hàng trực tuyến và thường sẽ so sánh giá trên các kênh và cửa hàng thương mại điện tử khác nhau, để tìm ra lựa chọn mang lại giá trị tốt nhất.

Bên cạnh đó, họ cũng sẽ ưa chuộng sự tiện lợi, khi thương mại điện tử giúp người tiêu dùng có khả năng mua bất cứ thứ gì, bất cứ khi nào họ muốn và thường ở mức giá tốt hơn nhiều so với mua trực tiếp.

Nó cũng cho phép người mua sắm sử dụng đa dạng các phương thức thanh toán và cung cấp các lựa chọn giao hàng thuận tiện và phù hợp nhất.

Chính vì thế, điều này mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp muốn kinh doanh trên môi trường này, họ cần đầu tư vào ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử.

21% doanh nghiệp cho biết, việc đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin và thương mại điện tử đem lại hiệu quả thực tế ở mức rất cao.

Theo đại diện của NielsenIQ Việt Nam, một trong những ưu tiên hàng đầu là các doanh nghiệp cần lựa chọn một nền tảng thương mại điện tử thích hợp để xây dựng trang web kinh doanh.

Trong đó, bên cạnh các yếu tố như kỹ thuật, quy mô, ngân sách, thì tổng sản lượng hàng hóa (GMV) là một tiêu chí quan trọng để lựa chọn. 

Sau khi thiết lập kinh doanh với một nền tảng thương mại điện tử thích hợp, doanh nghiệp cần làm việc với nhà cung cấp, đảm bảo nhà cung cấp hiểu hoạt động kinh doanh trực tuyến và nắm bắt được các kịch bản kinh doanh, từ đó tạo ra các trải nghiệm thú vị trong cửa hàng trực tuyến như có thể làm trong cửa hàng truyền thống.  

Cần chú ý rằng, 92% người tiêu dùng lựa chọn mua hàng trực tuyến bởi trải nghiệm mua sắm thú vị, vì thế trải nghiệm số (DX) trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu trong quản trị khi tỷ lệ người dùng internet và mobile banking ngày càng tăng.

Đồng thời, doanh nghiệp cần tiếp cận đối tượng Gen Z để mở ra cơ hội đối với các sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu, khi nghiên cứu cho thấy 68% Gen Z sử dụng mạng xã hội hằng ngày, 45% giao dịch mua hàng của Gen Z được thực hiện trực tuyến, 42% Gen Y/Z ủng hộ các thương hiệu bền vững với môi trường và thấu hiểu khách hàng là một kỹ năng của lãnh đạo trong thời kỳ mới.