Xung quanh bộ quy tắc ứng xử của Hà Nội và Gia đình văn hoá có nhiều câu chuyện đáng bàn thêm.
Một người bạn tôi hồi trong năm va chạm với gia đình hàng xóm, tự biết thân phận xin tự nhận không đạt gia đình văn hóa, cuối năm vẫn “phải” nhận.
Trong một khu chung cư cao cấp có đủ nội thất khang trang, khu vực sảnh, hành lang sang trọng sạch sẽ, những người sống ở đây ai cũng muốn dịch vụ phải trên cả tuyệt vời nhưng giá phải rẻ nhất có thể.
Chuyện không bình thường giờ đã trở thành bình thường là ai cũng cố thu vén cho nhà mình nhưng ở những chỗ công cộng lại rất tùy tiện như thường xuyên đỗ xe không đúng chỗ, làm phiền người xung quanh, có khu vực đổ rác nhưng thay vì xả xuống hầm thì lại tiện tay để luôn loanh quanh bên cạnh. Chỉ tới khi bị camera chỉ mặt đặt tên thì chuyện này mới bơn bớt, nhưng không chấm dứt hẳn.
Ảnh minh họa |
Những chuyện như vậy chỉ là một trong số vô vàn nỗi khổ do chúng ta tự gây cho mình và gây cho người xung quanh.
Một lần tôi góp ý trên Facebook về việc không nên để giày dép ở ngoài hành lang vì trông rất xấu và mất vệ sinh, chưa kể còn có thể bị mất cắp; và về việc các gia đình nên đóng cửa trông ra khu vực hành lang chung, nhất là nấu nướng để tránh mùi đồ ăn tràn ra ngoài làm phiền hàng xóm.
Có lần tôi bị cưỡng bức chiêm ngưỡng cặp giò trần trụi đang chĩa ra ngoài vì khổ chủ nằm thư giãn trên sofa kê thẳng cửa ra vào. Để minh họa cho góp ý này, tôi đã đính kèm 2 tấm ảnh minh họa tế nhị, không chụp người mà chỉ cho thấy tác hại của việc mở cửa thì có thể sẽ bị “lộ hàng” như thế nào. Tuy nhiên, 8 người vào phản hồi thì 7 người bảo vệ ý kiến mở cửa ra hàng lang cho thoáng, cho thân thiện với hàng xóm. Có người còn mắng lại tôi đại ý, “ai bảo chị dòm vào nhà người ta”?
Tôi còn được biết, sau khi Ban Quản trị tòa nhà yêu cầu các cư dân phải đóng cửa trông ra hành lang chung vì lý do an ninh đã bị các cư dân ở đây nổi giận.
Cách sinh hoạt xô bồ, không quan tâm tới sự riêng tư của mình và của láng giềng tất yếu sẽ dẫn tới các chuyện như hàng xóm kéo ra hành lang chung cư tổ chức liên hoan. Được nhiều người hưởng ứng ắt là có văn hóa, còn nếu ai vớ vẩn góp ý, là sẽ có nguy cơ mất tiêu chuẩn gia đình văn hóa!
Những chuyện mắt thấy tai nghe này khiến tôi trăn trở mãi với câu hỏi, văn hóa là gì và phải làm gì để đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa?
Tôi còn nhớ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết “văn hoá là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”.
Vì vậy khi điều kiện sống thay đổi, văn hóa cũng thay đổi. Những nếp sống, giá trị của cư dân sống ở làng quê như sẽ không còn phù hợp khi họ ra phố thị. Thói quen được coi là tốt hay bình thường khi ở nhà mặt đất sẽ không được chấp nhận khi ở chung cư. Việc liên hoan chung ở sân kho hợp tác là vui, nhưng biến thành liên hoan ở hành lang khu chung cư lại không chấp nhận được.
Chúng ta hãy cùng nhìn lại các tiêu chí Gia đình văn hóa để xem có gì cần bàn phải thêm:
1. Gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương. Thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ công dân; không vi phạm pháp luật Nhà nước, quy định của địa phương và quy ước, hương ước cộng đồng.
2. Gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng:
3. Tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả.
Có lẽ, những tiêu chí này cần được cụ thể. Báo chí đã nói về những vụ bạo hành ngầm trong một số gia đình vẫn được coi là có văn hóa. Chỉ đến khi không chịu thấu, họ báo công an thì ai cũng mới ngỡ ngàng.
Hay như tỷ lệ hơn 85% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, trong khi môi trường sống của Việt Nam ngày càng mất vệ sinh và mất an toàn đã chứng tỏ các tiêu chí cũng như cách đánh giá này cần được bổ sung, điều chỉnh lại.
Trong một diễn đàn dành cho giới trẻ, có một bạn rất trẻ đã mạo muội đề xuất ý tưởng về công dân văn hóa với các tiêu chí như: Gìn giữ môi trường (đốt vàng mã, vứt rác…), đóng góp cho cộng đồng (làm từ thiện, dạy trẻ em, mở tủ sách…), có thành tích xuất sắc (giải thưởng, bằng khen…) và để cư dân bình chọn.
Ý tưởng này xem ra khá thú vị để chúng ta cùng suy ngẫm.
Nguyễn Hoàng