Cuộc biểu tình với gần 100.000 người diễn ra ở Cairo hôm qua và hậu trường ngoại giao từ chính quyền Obama đã gia tăng áp lực chất chồng với Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak trong việc nhanh chóng rút lui và cho phép một chính phủ lâm thời lập tức bắt tay vào con đường dân chủ phía trước.



Hai ngày đụng độ đẫm máu giữa người biểu tình và người ủng hộ chính quyền đã làm 11 người thiệt mạng trong tuần này dường như đã khiến Mỹ đi tới một kết luận rằng, một Ai Cập với ông Mubarak có thể bất ổn hơn nhiều một Ai Cập không có ông.

Biểu tình tiếp tục diễn ra tại Ai Cập. Ảnh: AP

Lần đầu tiên trong vòng 11 ngày biểu tình, các kịch bản đã được đưa ra của hai phía đối lập tại Ai Cập và Mỹ bàn về khả năng quốc gia này sẽ thế nào thời hậu Mubarak sau gần 30 năm cầm quyền của ông.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cho hay, các cuộc thảo luận đã bắt đầu ở Ai Cập về một chính phủ thay thế và ông nhấn mạnh "giai đoạn chuyển đổi đã bắt đầu từ bây giờ".

"Chúng tôi muốn thấy thời khắc của cuộc khủng hoảng sẽ trở thành khoảnh khắc của cơ hội", Obama nói tại Washington. Ông không rõ ràng kêu gọi Mubarak lập tức từ chức, nhưng quan chức Mỹ nói rằng, chính quyền có một "phán quyết" rằng, Mubarak phải ra đi sớm nếu cuộc khủng hoảng kết thúc trong hòa bình.

Theo một đề xuất của Mỹ, Tổng thống Mubarak - 82 tuổi - sẽ từ chức, giao quyền lực cho một chính phủ lâm thời được quân đội ủng hộ, dẫn dầu là phó tổng thống mà ông mới bổ nhiệm, Omar Suleiman, quan chức Mỹ giấu tên cho biết. Chính phủ mới sẽ chuẩn bị cho các cuộc bầu cử tự do và công bằng trong cuối năm nay.

Đề xuất có một số điểm phù hợp với yêu cầu của người biểu tình, nhưng khác biệt cơ bản là thời gian.

Trong khi đó, người từng giành giải Nobel Hòa bình, Mohamed ElBaradei, một trong số các nhà lãnh đạo biểu tình, đã chỉ trích kế hoạch của chính phủ với việc cải tổ hiến pháp trong vòng 5 tháng và tổ chức bầu cử tổng thống vào tháng 9. Ông cho rằng nó quá vội vàng.

Theo ElBaradei, sẽ mất một năm để chính phủ lâm thời nới lỏng sự độc quyền về chính trị của đảng cầm quyền trước khi một cuộc bầu cử dân chủ thực sự có thể diễn ra.

Cho tới thời điểm này, ông Mubarak vẫn từ chối lui bước cho tới cuộc bầu cử tháng 9, và thủ tướng của ông hôm qua tuyên bố rằng, quan điểm này "không chắc" thay đổi. Người biểu tình thề sẽ tiếp tục các hoạt động cho tới khi ông Mubarak từ chức. Gần 100.000 người đã xuống đường ở Cairo hôm qua. Đây là cuộc tuần hành lớn nhất kể từ cuộc biểu tình thu hút ¼ triệu người hôm thứ ba.

Suleiman và Thủ tướng Ahmed Shafiq cam kết sẽ không có hành động nào chống lại phe biểu tình. Lệnh giới nghiêm áp dụng một tuần đã được nới lỏng trong hôm qua.

Những cuộc đụng độ tại quảng trường Tahrir hôm qua đã khiến số thiệt mạng kể từ ngày 25/1 lên tới 109 người. Trong số này có một nhà báo. Sáng qua, Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập Hussein Tantawi đã tới quảng trường. Đây là nhân vật cấp cao nhất của chính phủ làm như vậy. Sau đó, ông đi thị sát ở các điểm đóng quân, cố gắng thuyết phục người biểu tình rằng, hầu hết yêu cầu của họ sẽ được đáp ứng và họ nên trở về nhà.

Nỗ lực thay thế vị trí của ông Mubarak, phó tổng thống Suleiman đã đề xuất đàm phán với tất cả các lực lượng chính trị về những thay đổi hiến pháp để đảm bảo bầu cử tự do. Ông Mubarak tuyên bố sẽ không tái cử.

Theo Suleiman, lời mời đàm phán đã tới tay các nhà lãnh đạo biểu tình và cả phe đối lập lớn nhất của chính quyền - nhóm Anh em Hồi giáo. Giới phân tích cho rằng, đây là dấu hiệu đáng chú ý, vì cho thấy một nhóm bị cấm hoạt động có thể được phép đóng một vai trò chính trị công khai trong kỷ nguyên Mubarak.

Tuy nhiên, tới nay, các phe phái đối lập vẫn kẹt trong điều kiện rằng, ông Mubarak cần từ chức trước khi bất kể một cuộc thương thảo nào về hiến pháp được thực hiện.

  • Thái An (Theo AP, Reuters)