Baidu, gã khổng lồ tìm kiếm hàng đầu Trung Quốc cho biết, phiên bản chatbot AI mới nhất của họ đã vượt qua ChatGPT của OpenAI trên nhiều tham số chính.

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 27/6, Baidu nói rằng Ernie 3.5, phiên bản chatbot AI mới nhất của công ty đã vượt “ChatGPT về điểm năng lực toàn diện” và vượt trội “GPT-4 về một số năng lực đặc thù”.

Dẫn chứng cho kết quả, công ty trụ sở tại Bắc Kinh đã trích dẫn kết quả thử nghiệm thực hiện bởi tờ China Science Daily, sử dụng các bộ dữ liệu như AGIEval và C-Eval để đánh giá hiệu suất mô hình trí tuệ nhân tạo.

Baidu là công ty công nghệ Trung Quốc đầu tiên ra mắt chatbot AI cạnh tranh với ChatGPT

Động thái của Baidu được đưa ra trong bối cảnh “con sốt” AI do ChatGPT khởi xướng đã lan tới đại lục, khiến hàng loạt công ty tại đây ra mắt sản phẩm cạnh tranh.

Baidu là tên tuổi công nghệ lớn đầu tiên của Trung Quốc ra mắt sản phẩm AI cạnh tranh với chatbot của OpenAI bằng mô hình ngôn ngữ AI Ernie Bot, phát hành vào tháng 3. Chatbot này được phát triển dựa trên mô hình Ernie 3.0 cũ hơn, đang được thử nghiệm giới hạn với những người được mời trong suốt ba tháng nay.

Trong khi đó, các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc khác như tập đoàn Alibaba, Tencent đều đã tiết lộ những mô hình AI tương ứng của họ.

Baidu cho biết, mô hình mới của họ đi kèm hiệu quả suy luận và đào tạo tốt hơn, giúp chatbot có thể trở thành một giải pháp xử lý công việc lặp lại nhanh hơn với chi phí rẻ hơn trong tương lai. Ngoài ra, Ernie 3.5 cũng hỗ trợ các “plug-in” của bên thứ ba phát triển.

“Plug-in” là các ứng dụng bổ sung cho phép mô hình AI hoạt động trong các tình huống cụ thể, chẳng hạn như tóm tắt văn bản dài và tạo ra câu trả lời chính xác hơn. ChatGPT chính thức hỗ trợ tính năng này vào tháng 3.

“Mặt trận” mới trong cạnh tranh Mỹ - Trung

Paul Triolo, giám đốc tư vấn chính sách công nghệ tại Albright Stonebridge nói rằng, nhiều khả năng Washington sẽ tăng cường nhắm vào một số loại ứng dụng ở Trung Quốc và “AI sinh tạo có thể bị cuốn vào vòng xoáy trong năm tới”.

AI sinh tạo đang trở thành "cơn sốt" trong giới công nghệ 

Điều này diễn ra khi chính quyền Biden “tiến hành xác định công nghệ nào có thể đóng góp cho quá trình hiện đại hoá quân đội của Trung Quốc, cũng như các yếu tố có thể làm thúc đẩy khả năng của những công ty đại lục trong việc tạo ra đột phá về AI”.

AI cần được đào tạo với lượng dữ liệu khổng lồ để hoạt động. Quá trình này yêu cầu lượng lớn sức mạnh điện toán, được cung cấp bởi các con chip bán dẫn đặc thù, chẳng hạn như những sản phẩm được bán ra bởi công ty Nvidia, nhà sản xuất chip AI hàng đầu thị trường hiện nay.

Đến nay, Mỹ đã áp đặt một số lệnh hạn chế nhằm cô lập Trung Quốc khỏi những vi xử lý chính của Nvidia, động thái có thể cản trở sự phát triển AI của Bắc Kinh. Bên cạnh đó, Washington đang tiến hành đánh giá hoạt động đầu tư ra nước ngoài, có thể dẫn đến những quy tắc mới đối với những công ty Mỹ muốn làm ăn bên ngoài.

“Sắc lệnh đánh giá thực trạng đầu tư nước ngoài sắp tới sẽ bao gồm các hạn chế đối với công nghệ AI, một chỉ báo chính cho thấy xu hướng trong hai năm cuối của chính quyền Biden”, Paul Triolo cho hay.

Trong khi đó, Trung Quốc coi phát triển AI là một ưu tiên chiến lược, song song với việc đặt ra những quy định buộc công nghệ này phải tuân theo quy tắc Internet nghiêm ngặt của Bắc Kinh. Ngay cả khi Mỹ tìm cách cô lập Trung Quốc khỏi nguồn cung chip AI quan trọng, nước này vẫn có thể phát triển những con chip bán dẫn riêng.

(Theo CNBC, Reuters)