Từ cái bắt tay với các quan chức cho tới chuyến thăm các bộ hàng đầu, chuyến đi của Elon Musk làm nổi bật vị trí của Trung Quốc trên thị trường hàng đầu. Anthony Sassine, chiến lược gia đầu tư cấp cao tại hãng quản lý đầu tư Kraneshares, cho rằng đây là chuyến thăm “rất quan trọng” với Musk.

Trung Quốc chiếm khoảng 50% doanh số và 20% công suất xe Tesla. Trong cuộc họp báo cáo kết quả kinh doanh hồi tháng 4, Musk chỉ ra căng thẳng Mỹ - Trung là một nguy cơ với dự phóng năm 2023.

Elon Musk rời khách sạn tại Bắc Kinh ngày 31/5 cùng với hai phó chủ tịch cấp cao của Tesla Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Theo Sassine, chuyến thăm có thể được nhìn nhận như một “tuyên bố chính trị” với Trung Quốc, nơi các lãnh đạo như Musk và ông chủ hãng tài chính JPMorgan Jamie Damon “nói với chính trị gia hai bên bờ Thái Bình Dương rằng doanh nghiệp cần ổn định chính trị”.

Chính trị không phải lý do duy nhất. Chuyên gia Sassine chỉ ra môi trường vĩ mô đối với xe điện tại Trung Quốc đang rất khó khăn. Bắc Kinh đã chấm dứt trợ giá mua xe điện mới, trong khi lãi suất tại Mỹ tiếp tục tăng. Đối mặt với tình hình này, các hãng phải giảm giá xe để kích cầu và ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ.

Tesla đã giảm giá xe điện tại Trung Quốc vào tháng 10/2022 và tháng 1 năm nay, trước khi tăng giá vào tháng 5. Dù vậy, giá xe Tesla vẫn thấp hơn so với hồi đầu năm sau vài vòng hạ giá trên toàn cầu.

Quyết định của Tesla cho thấy tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc đối với hãng xe điện, theo Bill Russo, đồng sáng lập kiêm CEO hãng tư vấn đầu tư Automobility. Ông nhận xét, Tesla cần kinh tế quy mô mà Trung Quốc mang lại để duy trì lợi thế chi phí trên toàn cầu. Song, để duy trì điều này, cần phải đảm bảo duy trì được sự hiện diện ở đây.

Đây không phải điều dễ làm. Trung Quốc là thị trường xe điện cạnh tranh nhất thế giới, Tesla phải đối đầu với nhiều hãng xe nội địa. Không giống với các nơi khác, công ty của Musk không đứng đầu ở Bắc Kinh.

Nói về chiến lược hạ giá sản phẩm của Tesla, Russo cho rằng hãng đang “chiến đấu với danh mục cũ hơn”: Model 3 ra mắt 3 năm trước, còn Model Y cách đây 2 năm. Vì vậy, hãng phải dùng giá bán để đấu với các hãng xe điện liên tục giới thiệu mẫu mã mới. Chẳng hạn, đối thủ BYD bán các dòng xe range extender hybrid (REX) – chạy liên tục mà không cần dừng lại để sạc điện, “vũ khí” mà Tesla không có. Ngoài ra, BYD cũng bán chạy hơn Tesla trong mảng xe điện thuần túy.

Do đó, Tesla phải dựa vào việc giá bán để duy trì lợi thế cạnh tranh. Nếu ở các thị trường khác, Tesla đại diện cho sự cao cấp, tại Trung Quốc, họ phải hạ mình. Theo Russo, trong các cuộc chiến giá cả, kẻ thắng cuộc thường là kẻ bán giá thấp nhất. Hiện tại, Tesla chưa phải hãng xe rẻ nhất trên thị trường tỷ dân.

(Theo CNBC)