Đây là cam kết đầu tiên của BII tại khu vực Đông Nam Á, nằm trong kế hoạch tái gia nhập khu vực này và cung cấp vốn đầu tư cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sạch và bền vững, đồng thời hỗ trợ quá trình chuyển dịch năng lượng xanh của khu vực.
Với cam kết này, BII cùng các tổ chức tài chính phát triển khác, trong đó có AIIB, FMO, Swedfund, Norfund và OeEB, cũng như các nhà đầu tư tư nhân để hỗ trợ SAETF. Khoản đầu tư này đánh dấu sự khởi đầu trong việc hiện thực hóa tham vọng đầu tư lên tới 500 triệu bảng Anh tài chính khí hậu ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của BII. Đây cũng là một phần trong mục tiêu tổng thể của BII nhằm đạt được 30% tổng số cam kết mới cho lĩnh vực tài chính khí hậu.
SAETF đặt mục tiêu đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong toàn bộ quá trình chuyển dịch năng lượng, bao gồm các dự án năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả và lưu trữ năng lượng, đồng thời tập trung vào các nền kinh tế mới nổi ở khu vực Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.
Giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu
Quỹ sẽ đóng góp vào các mục tiêu giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu và Thỏa thuận Paris bằng cách tài trợ cho các giải pháp năng lượng sạch, tăng cường cung cấp nguồn điện đáng tin cậy với giá cả phải chăng cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng, cũng như tạo cơ hội tiếp cận các giải pháp năng lượng sạch ở những khu vực chưa có điều kiện tiếp cận.
Đông Nam Á là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới. Trong khi những quốc gia ở khu vực này đang ở nhiều giai đoạn phát triển khác nhau, thì hầu hết các nền kinh tế đã mở rộng quy mô, tăng gấp hơn hai lần kể từ năm 2000. Điều này có nghĩa là nhu cầu năng lượng trong khu vực đã tăng trung bình khoảng 3% một năm trong hai thập kỷ qua. Đặc biệt, nhu cầu tiêu thụ điện đã tăng đột biến tại Việt Nam khi quốc gia này trở thành trung tâm sản xuất trong những năm gần đây.
Để giải quyết nhu cầu năng lượng ngày càng tăng và giảm phụ thuộc vào năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tham vọng phát triển bền vững toàn diện của khu vực cần huy động ít nhất 200 tỷ USD đầu tư cho lĩnh vực năng lượng vào năm 2030 với hơn 3/4 năng lượng được chuyển thành năng lượng sạch.
Chính vì vậy, khoản đầu tư của BII cũng hướng đến mục tiêu thu hút thêm các nhà đầu tư thương mại để mở ra nhiều cơ hội tài chính khí hậu và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững trong khu vực. Đây là một bước tiến lớn hướng tới sự hỗ trợ của Vương quốc Anh đối với Chương trình Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (JETP) của Việt Nam được khởi động vào tháng 12/2022 và nhằm huy động tài chính để hỗ trợ Việt Nam đạt được tham vọng bền vững.
Tăng trưởng bền vững
SAETF sẽ tận dụng được từ công ty SUSI Partners chuyên môn quản lý đầu tư chuyên biệt với thành tựu đã được công nhận trên toàn cầu ở mọi khía cạnh của cơ sở hạ tầng chuyển dịch năng lượng. Gần đây, công ty đã công bố khoản đầu tư vào Asia Clean Capital Vietnam, nhà phát triển năng lượng mặt trời cho các đối tác thương mại và công nghiệp tại Việt Nam. Điều này càng cho thấy cách tiếp cận mới trong việc đầu tư vào tài chính khí hậu ở Việt Nam là một trong những thị trường ưu tiên của BII ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Giám đốc Châu Á của Công ty SUSI Partners, Wymen Chan cho biết: “Nhu cầu năng lượng ở Đông Nam Á đang tăng nhanh cùng với sự phát triển kinh tế của khu vực. Mục tiêu của chúng tôi là hướng nguồn tài chính vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm đảm bảo sự tăng trưởng này diễn ra một cách bền vững, đồng thời chứng minh rằng Đông Nam Á không chỉ là một thị trường có sức ảnh hưởng mà còn rất hấp dẫn với các nhà đầu tư công cũng như tư nhân.”
Đại sứ Anh tại Việt Nam, Iain Frew cho biết: “Tôi rất vui khi thấy Tổ chức Đầu tư Quốc tế Anh đã có hành động cụ thể trong việc hỗ trợ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với trọng tâm là tài chính khí hậu. Các khoản đầu tư tương tự như thế này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Vương quốc Anh trong việc hỗ trợ Việt Nam khai thác tiềm năng năng lượng sạch dồi dào và dẫn dắt tăng trưởng kinh tế bền vững, mang tính chuyển đổi.”
Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận Châu Á tại BII, Srini Nagarajan cho biết thêm: “Chúng tôi đã đầu tư ở khắp Châu Á trong hơn 30 năm qua. SAETF là một điểm tái xuất tuyệt vời cho BII vào khu vực Đông Nam Á và là một tuyên bố rõ ràng về tham vọng của chúng tôi trong việc cung cấp tài chính khí hậu và hỗ trợ đổi mới để giải quyết những thách thức từ cuộc khủng hoảng khí hậu. Chúng tôi đánh giá cao những tham vọng về khí hậu của khu vực và mong muốn được hợp tác với các nhóm địa phương của SUSI để tăng cường phát triển các dự án bền vững có thể mở rộng quy mô và có khả năng được cấp vốn.”
Cam kết từ BII sẽ đóng góp vào các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc về Năng lượng Sạch với Giá thành Hợp lý (SDG 7), Công việc tốt và Tăng trưởng Kinh tế (SDG 8) và Hành động về Khí hậu (SDG 13).