W-lao-dong-2.jpg
Dù mới 12 tuổi nhưng Nhi đã theo bà ngoại mưu sinh. 

Áp lực kiếm tiền giúp gia đình

Trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, được Nhà nước, cá nhân, các tổ chức xã hội quan tâm, bảo vệ. Thế nhưng, hiện nay bên cạnh những trẻ được sống trong tình thương yêu của gia đình vẫn còn rất nhiều em đang phải làm công việc nặng nhọc, độc hại.

Một trong số này là N.T.T.K. (14 tuổi, quận Tân Bình, TP.HCM). Sau giờ nghỉ trưa, T.K. trở lại xưởng ép đế giày, dép tư nhân cùng 2 chiếc khẩu trang dày cộm. Đây là cách em chống lại mùi khó chịu từ các loại keo dán công nghiệp tại nơi làm việc.

K. làm việc tại xưởng từ giữa năm ngoái. Tại đây, em phải làm việc như những công nhân có thâm niên khác. Tuy nhên vì chưa đủ tuổi, em không được ký hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.

Dù làm việc trong môi trường độc hại, K. chỉ được nhận mức lương cơ bản thấp hơn những công nhân đủ tuổi lao động. Đã thế, mỗi cuối tháng, em không được nhận đủ 100% lương.

K. chia sẻ: “Mỗi tháng, em chỉ được nhận một nửa tiền lương. Nhiều tháng, thiếu tiền trang trải, em phải ứng trước. Nhưng nếu em nghỉ một hôm, ông chủ sẽ trừ thẳng vào tiền lương.

Em thấy công việc cũng cực nhưng không dám nghỉ vì bây giờ xin việc rất khó. Hơn nữa em chưa đủ tuổi nên nhiều công ty không dám nhận vào làm. Em phải làm để tự lo bản thân vì mẹ còn phải nuôi em nhỏ đang đi học”.

Áp lực kiếm tiền giúp gia đình cũng khiến bé gái tên Nhi (12 tuổi, quận 5, TP.HCM) phải nghỉ học sớm. Sau khi bất đắc dĩ phải rời ghế nhà trường, mỗi ngày, Nhi theo bà ngoại ra đầu đường bán bánh mì mưu sinh.

Vào những ngày lễ trong năm, Nhi cùng bà ngoại mua hoa tươi về tự bó, trang trí thành từng giỏ bắt mắt rồi bán lại trên vỉa hè. Ra đời mưu sinh sớm khiến ngoại hình, tính cách của bé gái cứng cáp, già dặn hơn nhiều so với tuổi.

T.K. và Nhi là hai trong nhiều ví dụ cho thấy tình trạng sử dụng lao động trẻ em dưới 16 tuổi đang khá phổ biến. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, tình trạng này ngày càng tăng cao.

Ông Trần Công Bình, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục TPHCM nhận định, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lao động trẻ em trên thế giới đã lên con số 160 triệu.

Ngoài ra, còn có hàng triệu trẻ em khác đứng trước nguy cơ trở thành lao động trẻ em do hậu quả của đại dịch. Ở nước ta hiện nay, việc sử dụng lao động trẻ em dưới 16 tuổi cũng đang phổ biến.

W-lao-dong.jpg
Nhiều gia đình, vì hoàn cảnh, các bậc phụ huynh cho con em của mình lao động sớm để tạo thêm thu nhập

Gia đình, xã hội cùng chung tay

Trước thực trạng này, ông Bình đưa ra những giải pháp nhằm bảo vệ trẻ em, tránh tình trạng bị lạm dụng sức lao động. Về mặt gia đình, ông cho rằng cha mẹ cần quan tâm nhiều hơn đến con cái.

Ông phân tích: “Các bậc phụ huynh cần chú ý đến sinh hoạt hàng ngày và sớm trang bị cho con những kiến thức, kỹ năng sống cần thiết. Mục đích của việc này là để các em nhận diện được những tình huống, nguy cơ, mối nguy hiểm có thể xảy ra với bản thân và biết cách tự bảo vệ mình.

Trong trường hợp, vì hoàn cảnh, phải cho con em tham gia lao động để phụ giúp gia đình, cha mẹ cần hiểu rõ những quy định của pháp luật.

Việc này rất cần thiết bởi có thể bảo vệ con em mình không bị lạm dụng hay bóc lột sức lao động, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển về thể chất, tinh thần của trẻ”.

Về mặt xã hội, ông nhấn mạnh các giải pháp gồm: Cần cung cấp an sinh xã hội đầy đủ cho tất cả mọi người, bao gồm phổ cập phúc lợi cho trẻ em.

Tăng đầu tư cho giáo dục có chất lượng và cho mọi trẻ em được đi học trở lại, bao gồm cả những em đã phải nghỉ học trước và sau đại dịch Covid-19.

Tạo ra việc làm thỏa đáng cho người trưởng thành để các gia đình không phải sử dụng trẻ em để có thêm thu nhập.

Giảm thiểu những quan niệm về giới có ảnh hưởng tiêu cực và tình trạng phân biệt đối xử có liên quan đến lao động trẻ em. Ví dụ như quan niệm trẻ em gái không cần học nhiều mà phải đi làm phụ giúp gia đình.

Tăng cường nguồn lực/ngân sách để phát triển, kiện toàn hệ thống bảo vệ trẻ em các cấp, phát triển nông nghiệp, các dịch vụ công ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, phát triển cơ sở hạ tầng và sinh kế.

Ngoài ra, ông cũng cho rằng gia đình và xã hội cần chung tay để giúp các em hiểu rõ về vấn đề lao động trẻ em. Các vấn đề các em cần phải hiểu rõ như: Những công việc nguy hiểm và gây hại cho trẻ em về mặt tinh thần, thể chất, xã hội hay đạo đức, nhân phẩm.

Cản trở việc học tập của trẻ em do lấy đi cơ hội học tập của các em; buộc các em phải nghỉ học sớm; hoặc phải kết hợp việc học tập với làm việc nặng nhọc trong nhiều giờ.

Tăng cường sự hiểu biết của các em về những nguy cơ trở thành lao động trẻ em như: chủ dễ sai bảo, trả lương thấp hơn người lớn, thích tự khẳng định mình bằng cách lao động, tạo thu nhập nhưng thiếu kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình…

Ông Bình chia sẻ: “Lao động trẻ em gây ra rất nhiều hậu quả trước mắt và lâu dài cho chính chúng ta.

Trẻ em có thể lao động để phụ giúp gia đình nhưng phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật như: Tuổi và giờ làm việc; loại công việc tham gia lao động và nơi hay môi trường làm việc…”.

Tuấn Anh và nhóm PV, BTV