Đối với một số nước, Hội nghị Cấp cao APEC sẽ lắng nghe, thảo luận và bắt đầu đưa ra các quyết định quan trọng về trật tự mới do Trung Quốc làm trung tâm khi mà Washington dưới thời D.Trump đang chuẩn bị giảm vai trò trong các vấn đề toàn cầu.
Với chiến thắng của ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 8/11 vừa qua, thái độ chống thương mại được cho là sẽ chế ngự chính quyền sắp tới ở Mỹ.
Trung Quốc, nước bị Mỹ gạt ra ngoài lề các cuộc thương lượng TPP, giờ đang sẵn sàng để trở thành người cầm trịch trong các thỏa thuận thương mại khu vực mới. Đến lượt mình, họ cũng áp dụng chiến thuật loại Mỹ khỏi cuộc chơi bằng việc thúc đẩy các dự án hội nhập kinh tế tầm khu vực và toàn cầu của riêng mình.
Mới cách đây 12 tháng, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) được đánh giá là bước đi lớn đầu tiên của APEC nhằm củng cố tầm nhìn về một khu vực tự do thương mại trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Vậy mà chỉ một năm sau, các cuộc thảo luận tại APEC đã bị phủ bóng bởi một tương lai ảm đạm của văn kiện rất được trông đợi này.
Việc Tổng thống đương nhiệm Mỹ Barack Obama quyết định từ bỏ các kế hoạch phê chuẩn văn kiện này chẳng khác nào đặt nó vào quan tài. Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Donald Trump là một người không giấu giếm ý định sẽ phá hỏng TPP. Trong bối cảnh này, Hội nghị Cấp cao APEC 2016 trở nên quan trọng và đáng lưu tâm hơn bao giờ hết.
Không ít người dự đoán Hội nghị năm nay có thể sẽ do một tay Trung Quốc khuấy đảo, với các kế hoạch hội nhập kinh tế đa chiều của mình. Trên cơ sở chương trình nghị sự đơn giản của Tổng thống chủ nhà Peru, ông Pedro Pablo Kuczynski - bao gồm phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thị trường lương thực khu vực và hội nhập kinh tế khu vực – Trung Quốc chắc chắn sẽ nhanh chóng chiếm uy thế.
Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị APEC 2015. Ảnh: Reuters |
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người đã có cuộc điện đàm thân mật với Tổng thống đắc cử Mỹ bày tỏ lo ngại về chủ nghĩa bảo hộ thương mại, đã lên nhiều kế hoạch để tận dụng Hội nghị Cấp cao APEC. Đầu tiên là thỏa thuận Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), mà trong đó Trung Quốc đóng một vai trò chính. Nhiều tờ báo lớn từng viết về cuộc chiến tranh giành tầm ảnh hưởng giữa TPP và RCEP.
Giờ đây, khi TPP sắp trở thành dĩ vãng, một số thành viên APEC thấy cần phải tìm đến các lực chọn hợp tác thương mại khác. Trong bối cảnh đó, một RCEP lớn hơn và bao trùm hơn, sẽ được gọi tên là thỏa thuận tự do thương mại châu Á – Thái bình Dương (FTAAP), đang gây sự chú ý.
Nhưng RCEP dường như quá nhỏ bé so với chương trình tìm kiếm tầm ảnh hưởng mới đây của Trung Quốc, mang tên “Một vành đai, một con đường” – hay Vành đai kinh tế con đường tơ lụa và Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21. Đây là một đề xuất lớn, nếu không muốn nói là lớn nhất từ trước tới nay. Bắc Kinh tìm cách hội tụ toàn bộ các nước châu Á ở phía Tây của mình, toàn bộ Trung Đông trừ Iran và Israel, cộng với toàn bộ khu vực Trung và Đông Âu.
Khi TPP sắp trở thành dĩ vãng, một số thành viên APEC thấy cần phải tìm đến các lực chọn hợp tác thương mại khác. |
Một trong những sự chuẩn bị kỹ càng cho các dự án lớn của mình, Trung Quốc là thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), thu hút sự quan tâm của 57 quốc gia trên thế giới, trong đó có cả các đồng minh của Mỹ. Nếu phát triển đúng như “thiết kế” của Trung Quốc, AIIB sẽ vượt xa Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), hoàn toàn có thể sẽ gạt ADB ra ngoài lề cuộc chơi.
Đối với một số nước, Hội nghị Cấp cao APEC sẽ lắng nghe, thảo luận và bắt đầu đưa ra các quyết định quan trọng về trật tự mới do Trung Quốc làm trung tâm khi mà Washington dưới thời D.Trump đang chuẩn bị giảm vai trò trong các vấn đề toàn cầu. Tuy nhiên, cũng có không ít quốc gia trong APEC cho rằng Hội nghị Cấp cao tại Peru lần này có thể là một diễn đàn để gửi đi một thông điệp tới chính quyền mới ở Mỹ rằng họ cần tiếp tục tham gia, chứ không phải là rút lui, nếu không muốn sẽ bị gạt ra ngoài lề, đặc biệt là trong khu vực đang phát triển nhanh chóng ở Vành đai Thái Bình Dương này.
Đức Đan