Chuyên gia cho rằng Apple nên thay đổi chiến lược bán hàng để nâng doanh số iPhone 14. Ảnh: Bloomberg. |
Một tuần sau khi Apple chính thức mở bán ở Trung Quốc, người dùng quốc gia này có nhiều phản ứng khác nhau đối với dòng sản phẩm chủ lực của hãng công nghệ nước Mỹ. Cụ thể, nhu cầu mua dòng iPhone 14 Pro liên tục tăng cao trong khi phiên bản tiêu chuẩn lại có phần “ế ẩm” do suy thoái kinh tế tại quốc gia này.
iPhone 14 Pro Max cháy hàng, iPhone 14 ế ẩm
“Theo nghiên cứu của chúng tôi, iPhone 14 có doanh số bán ra thấp nhất. Nhưng với dòng Pro, chiếc iPhone 14 Pro Max lại là thiết bị được khách hàng Trung Quốc chào đón nhất”, Will Wong, nhà phân tích của IDC, khẳng định.
Sự chênh lệch trong doanh số đã cho thấy Apple cần điều chỉnh chiến lược phân cấp dòng Pro và tiêu chuẩn của mình để thúc đẩy nhu cầu mua iPhone giá rẻ hơn, thay vì tập trung vào iPhone 14 Pro/Pro Max, Wong bổ sung.
Trước đó, nguồn tin từ LeaksApplePro cho biết tập đoàn công nghệ đã yêu cầu Foxconn, đối tác cung ứng lớn nhất, chuyển dây chuyền sản xuất iPhone 14 bản tiêu chuẩn sang dòng Pro để kịp đáp ứng nhu cầu cao của người dùng.
Công ty sản xuất linh kiện cho Apple còn cho biết sẽ không cắt giảm bất cứ dòng sản phẩm nào mà chỉ điều chỉnh tỷ lệ sản xuất giữa phiên bản thường và Pro do chênh lệch nhu cầu mua của khách hàng, DigiTimes bổ sung.
iPhone 14 Pro được chào đón ở thị trường Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg. |
Trong khi đó, nhà phân tích Ming-Chi Kuo của TF Securities lại cho biết lượng đặt hàng trước iPhone 14 và 14 Plus sẽ bị cắt giảm.
Điều này đồng nghĩa với việc iPhone 14 Pro sẽ chiếm hơn 60-65% sản lượng dòng iPhone 14 trong nửa cuối năm 2022, tăng mạnh so với dự đoán 55-60% trước đó. Còn iPhone 14 Pro Max sẽ chiếm khoảng 30-35% lượng iPhone được sản xuất, chuyên gia cho biết.
Công ty phân tích thị trường Sandalwood Advisors còn lấy số liệu từ lượng đặt hàng iPhone mới trên sàn thương mại điện tử Tmall của Alibaba để chứng minh cho sự chênh lệch này.
Công ty cho biết so với iPhone 13 năm ngoái, sản lượng dòng iPhone 14 tiêu chuẩn đã giảm 71% chỉ 11 ngày sau khi ra mắt. Trong khi đó, dòng Pro/Pro Max lại tăng 38%. Ngoài ra, tổng lượng iPhone 14 bán ra cũng tăng 4% so với người tiền nhiệm.
“Nguyên nhân doanh số iPhone 14 thay đổi là vì Apple thay đổi chiến lược bán iPhone, thiếu hụt chuỗi cung ứng cùng với suy thoái kinh tế, làm nhu cầu mua thiết bị công nghệ sụt giảm”, nhà phân tích của Sandalwood Advisors cho biết.
iPhone 14 Pro được quan tâm
Theo SCMP, lượng smartphone bán ra tại thị trường Trung Quốc hồi tháng 7 đã giảm 31%, còn 19,1 triệu thiết bị do nhu cầu mua giảm và không có nhiều sản phẩm mới ra mắt. Không chỉ vậy, tổng doanh số điện thoại ở thị trường này trong 7 tháng đầu năm 2022 cũng chỉ đạt 153 triệu chiếc, giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sandalwood Advisors còn cho biết tình trạng doanh số ảm đạm sẽ còn tiếp diễn trong tương lai vì lượng smartphone bán ra trên các sàn thương mại điện tử đã giảm mạnh trong suốt 3 tháng qua. Hồi tháng 6, con số này giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đến tháng 10 mức giảm đã tăng đến 10%.
Hàng dài người xếp hàng chờ mua iPhone 14 ở Thâm Quyến trong ngày đầu mở bán. Ảnh: SCMP. |
Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến doanh số iPhone năm nay. Cụ thể, lượng phiên bản iPhone 14 tiêu chuẩn được bán ra trong ngày đầu tiên mở bán không cao. Thậm chí, giá chợ đen cũng bị giảm mạnh, thấp hơn giá bán chính thức.
Tuy nhiên, với dòng Pro, các thiết bị này còn được sang tay với mức giá cao hơn 2.000 CNY (280 USD) so với giá hãng. iPhone 14 Pro/Pro Max còn trở thành đề tài nóng hổi, được nhiều người dùng trên mạng xã hội Trung Quốc quan tâm.
Đa số đều phàn nàn về tình trạng iPhone giao trễ hẹn. Người dùng Wu Yin trên Weibo cho biết theo lịch hẹn, cô sẽ được nhận smartphone mới vào ngày 10/10 nhưng đã bị hoãn. Một người dùng khác có tên Xiaohua lại tỏ ra khó chịu vì phải mất đến 10 ngày để mua được chiếc iPhone 14 Pro Max màu tím bản 256 GB.
Theo SCMP, để nhận được iPhone 14 cao cấp nhất, người dùng thường phải đợi 6 tuần nếu đặt hàng online. Trong khi đó, họ cũng phải mất 4-5 tuần để được cầm chiếc iPhone 14 Pro trên tay.
(Theo Zing)