Đại sứ Phạm Quang Vinh - nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam (2007-2014) trả lời phỏng vấn VietNamNet:

Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 42 diễn ra trong bối cảnh thế giới và khu vực ra sao, thưa ông?

ASEAN năm nay với vị trí Chủ tịch luân phiên là Indonesia đang hướng tới Tầm nhìn ASEAN đến năm 2045. Đây là mốc rất quan trọng để Hiệp hội tăng cường hơn nữa nội lực về xây dựng cộng đồng, ứng phó các thách thức cũng như về đối ngoại là phát huy vai trò trung tâm.

ASEAN phải tăng cường hợp tác hơn nữa theo 2 mục tiêu: Một là, làm sao để các đối tác hỗ trợ ASEAN mạnh nhất trong xây dựng Cộng đồng, phát triển kinh tế. Thứ hai là làm sao để hợp tác nhằm duy trì môi trường hòa bình, phát triển trong khu vực. 

Trong khu vực những năm đây có nhiều diễn biến trái chiều phức tạp, đặc biệt là những thách thức cả an ninh truyền thống và phi truyền thống, ảnh hưởng đến vai trò của ASEAN, đến môi trường hòa bình và phát triển của khu vực. Và ASEAN cần có tiếng nói cũng như phát huy vai trò của mình. 

Những thách thức an ninh truyền thống như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, an ninh nguồn nước cùng nhiều thay đổi địa chính trị, địa chiến lược trong đó cạnh tranh nước lớn gia tăng phức tạp. Giữa bối cảnh đó, ASEAN tiếp tục được coi trọng. Và ASEAN cần xứng với tầm của mình. Chắc chắn trong chủ đề và định hướng ưu tiên sẽ đề cập những câu chuyện này.

Đây là cuộc họp cấp cao đầu tiên trong năm Chủ tịch của Indonesia nên các nhà lãnh đạo khối sẽ cùng xem xét định hướng trong năm nay và tiếp theo sẽ làm gì để thúc đẩy xây dựng Cộng đồng và phát huy vai trò vai trò của mình. 

Để Cộng đồng ASEAN ngày càng vững mạnh hơn

Hội nghị Cấp cao lần này có ý nghĩa thế nào với giai đoạn phát triển mới của ASEAN, thưa Đại sứ?

Làm sao để xây dựng Cộng đồng ASEAN ngày càng vững mạnh hơn, phát triển kinh tế ngày càng nhiều hơn, từ đó phát huy tốt vai trò trong gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển tại khu vực cũng như tăng cường hợp tác với các đối tác vì mục tiêu chung.

Hội nghị là dịp kiểm điểm lại thành quả xây dựng Cộng đồng đến nay và hướng tới việc hoàn thành các mục tiêu đặt ra vào năm 2025, định danh phát triển sau 2025. 

Thời gian vừa qua, ASEAN đã tiếp tục thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ của mình với các đối tác. Gần đây nhất là nâng tầm lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và Australia. Các đối tác luôn coi trọng ASEAN nhưng đồng thời Hiệp hội cần phải tăng cường hợp tác hơn nữa theo 2 mục tiêu: Một là, làm sao để các đối tác hỗ trợ ASEAN mạnh nhất trong xây dựng Cộng đồng, phát triển kinh tế. Thứ hai là làm sao để hợp tác nhằm duy trì môi trường hòa bình, phát triển trong khu vực. 

Chia sẻ của Đại sứ về ba trụ cột chính mà Indonesia đưa ra trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2023? 

Với chủ đề “ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng”, Indonesia quyết tâm tăng cường khả năng của ASEAN trong ứng phó với các thách thức khu vực và toàn cầu, cũng như củng cố vị thế của ASEAN với tư cách là tâm điểm của tăng trưởng. 

Nước chủ tịch Indonesia khẳng định sẽ có những bước tiến trên cả 3 trụ cột trong năm Chủ tịch ASEAN. Ba trụ cột đó là: "Các vấn đề của ASEAN", “Tâm điểm tăng trưởng” và triển khai Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Định hướng của Indonesia có mấy điểm đáng chú ý. Về chủ đề đã nhấn mạnh vị trí trung tâm, động lực phát triển của ASEAN. Hiệp hội rất cần thiết phải tiếp tục phát huy vai trò của mình bao gồm cả về hòa bình, an ninh và hợp tác phát triển. 

ASEAN cần thúc đẩy: Nỗ lực nội khối trong xây dựng cộng đồng kinh tế; nỗ lực hợp tác với các đối tác để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững, đặc biệt là tranh thủ xu hướng phát triển kinh tế mới về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Indonesia đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2023. 

ASEAN vừa kiểm điểm những gì đạt được và hướng tới từ nay đến 2025 nhưng đồng thời phải đưa ra những định hướng mang tính dài hơi hơn, chất lượng hơn cho mục tiêu phát triển. 

Indonesia đã nói rất rõ những ưu tiên này nhất là phát triển bền vững, bao trùm và xóa bỏ khoảng cách trên tất cả lĩnh vực. Để thực hiện được, Indonesia nhấn mạnh đến các thiết chế và tăng cường hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế hợp tác trong ASEAN.

Thông điệp của Việt Nam

Việt Nam mang tiếng nói, thông điệp gì đến Hội nghị Cấp cao lần này, thưa ông? 

Việt Nam rất coi trọng vai trò của ASEAN, đặc biệt là ủng hộ vai trò tích cực và trách nhiệm của khối trong việc duy trì khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển; trong xây dựng Cộng đồng ASEAN, thúc đẩy đoàn kết giữa các nước thành viên và làm cho ASEAN ngày càng vững mạnh.

Thứ hai, cùng với hòa bình và an ninh thì yêu cầu rất cấp bách và quan trọng đó là phục hồi và phát triển kinh tế, hướng tới phát triển cao hơn, khôi phục lại các chuỗi cung ứng, đồng thời phải xây dựng các chuỗi cung ứng mang tính bền vững và chất lượng cao.

Thứ ba, cạnh tranh nước lớn đã dẫn tới cọ xát và thậm chí là phân cách nhất định trong chuỗi cung ứng và thương mại toàn cầu. Làm sao để thích ứng, vượt lên trên khó khăn trong khi vẫn tranh thủ hợp tác về thương mại, kinh tế và đầu tư với các nước lớn. 

ASEAN hướng tới tầm nhìn xây dựng, phát triển kinh tế sau 2025 đòi hỏi mỗi quốc gia thành viên cũng phải nâng cao chất lượng phát triển của nền kinh tế, đi cùng ASEAN bước vào thời kỳ hội nhập cao hơn. Tôi tin điều này phù hợp với ưu tiên của Việt Nam như Đại hội Đảng 13 đề ra. 

Để ASEAN có thể phát huy được vai trò của mình thì có hai vấn đề rất quan trọng. 

Một là ASEAN phải đoàn kết, và chúng ta rất coi trọng sự đoàn kết này, đồng thời thúc đẩy tham vấn, xử lý những vấn đề phức tạp của khu vực trên tinh thần ASEAN dựa trên lợi ích chung khu vực, dựa trên luật pháp quốc tế.

Hai là để phát huy vai trò trung tâm, nhất là các đối tác lớn, ASEAN cần có chiến lược không chỉ không chọn bên mà còn chủ động hợp tác với các bên dựa trên luật pháp quốc tế nhưng đồng thời có tiếng nói về các vấn đề trong khu vực. 

Lê Diệu Thúy, Nguyễn Thị Kim Chi, Vũ Việt Bảo Phùng, Nghiêm Minh Thu, Nguyễn Thị Diệu Bình