Chỉ một dòng chữ nhỏ ghi thêm trên bao bì nhưng đã khiến liên ngành các bộ phải họp để tìm phương án xử lý, điều này cho thấy thủ thuật ngày càng tinh vi của các nhà sản xuất và phân phối trong công cuộc “làm giá”.
LTS: Vừa qua, liên bộ Tài chính, Công thương, Y tế đã tổ chức cuộc họp khẩn về vấn đề dấu hiệu độc quyền trong phân phối mặt hàng sữa nước Ensure. Soi chiếu dưới góc độ Luật cạnh tranh, câu chuyện này nên được xử lý như thế nào, xin giới thiệu bài viết dưới đây của LS Nga Lê.
Độc quyền chỉ bằng một dòng chữ nhỏ
Sữa là mặt hàng đặc biệt, và theo Luật giá thì sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi là một trong những mặt hàng thuộc diện bình ổn giá.
Chính vì sự “đặc biệt” đó mà sữa đã đang và sẽ luôn là cuộc chiến về giá giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối, mà đứng giữa là các cơ quan quản lý nhà nước. Công luận đã có dịp chứng kiến nhiều “thủ đoạn” của bên cung nhằm đẩy giá của mặt hàng thiết yếu này lên cao ngất ngưởng so với khu vực và thế giới để móc túi người tiêu dùng như lập lờ nhãn mác, ghi sai thành phần hay giảm trọng lượng và giữ nguyên giá… để rồi bị yêu cầu phải ghi đúng nhãn mác, phải đăng ký giá hay bị áp giá trần…
Hiện, các cơ quan quản lý nhà nước lại được dịp “đau đầu” về việc Công ty Abbott Laboratories (Mỹ) và nhà phân phối - Công ty TNHH dinh dưỡng 3A (Công ty 3A) tung chiêu mới khi từ năm 2013 đã cho in bổ sung trên nhãn sản phẩm Ensure nước dòng chữ “not to be sold in Vietnam or Mexico” (không bán tại VN hoặc Mexico).
Cơ quan chức năng nhận định Hãng Abbott và Công ty 3A có dấu hiệu vi phạm luật Cạnh tranh khi tạo thế độc quyền kinh doanh Ensure dạng nước - Ảnh: Diệp Đức Minh |
Điều gì đã khiến chỉ một dòng chữ nhỏ in trên sản phẩm như thế lại buộc liên ngành các cơ quan phải vào cuộc.
Thực tế, sau khi “dán cáo thị” kim ngạch nhập khẩu sản phẩm Ensure nước của Công ty 3A đã tăng trên 50%. Giá bán sản phẩm này cũng cao gần gấp đôi so với trước. Đồng thời, đẩy sản phẩm có dòng chữ trên vào tình trạng nhập lậu vì không được phép nhập khẩu nhưng nó vẫn tràn ngập thị trường. Nhất cử lưỡng tiện, việc sáng chế ra cách ghi nhãn hiệu “láu cá” như vậy đã khiến Công ty 3A, cũng là của Abbott, tự do một mình một chợ bán giá nào cũng được, và Abbott vẫn tiêu thụ đều đều các sản phẩm “not to be sold in Vietnam or Mexico” tại thị trường VN mà đại diện của Abbott khẳng định là ghi thêm nhãn để “chống buôn lậu”. Chỉ có người tiêu dùng và ngân sách là hứng chịu hậu quả.
Điều 40 Luật cạnh tranh quy định : “Cấm doanh nghiệp sử dụng chỉ dẫn chứa đựng thông tin gây nhầm lẫn về tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, bao bì, chỉ dẫn địa lý và các yếu tố khác theo quy định của Chính phủ để làm sai lệch nhận thức của khách hàng về hàng hóa, dịch vụ nhằm mục đích cạnh tranh”.
Điều 3 Luật cạnh tranh quy định: “Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng”.
Việc ghi bổ sung nhãn hiệu của Abbott có thể xem là sử dụng chỉ dẫn địa lý để “làm sai lệch nhận thức của khách hàng về hàng hóa, dịch vụ và hành vi này trên thực tế đã gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng”.
Chính đại diện Abbott cũng từng trả lời phỏng vấn rằng việc ghi nhãn hạn chế không xuất phát từ vấn đề chất lượng, khi mà sản phẩm vẫn đang được lưu hành tự do tại Mỹ. Việc làm này chỉ nhằm ngăn chặn các doanh nghiệp khác (ngoài Công ty 3A) nhập khẩu sản phẩm cùng loại để cạnh tranh và chống việc buôn lậu.
Tại sao lúng túng?
Tại VN, nhãn hiệu Abbott vốn không xa lạ với những lùm xùm và chắc chắn cũng như mọi lần, Abbott sẽ hoàn toàn chẳng phải chịu trách nhiệm gì vì họ ở bên kia nửa vòng trái đất, không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật cạnh tranh. Còn để chứng minh được Công ty 3A thao túng thị trường cũng không phải là điều dễ dàng khi mà thị phần sữa bột của nhãn hiệu Abbott cũng mới chỉ chiếm khoảng trên 20%. Như vậy, vấn đề của các cơ quan quản lý nhà nước là vấn đề với thị trường lậu chứ không phải với họ!
Các yêu cầu nghiêm ngặt về kiểm định chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm là đương nhiên, nhưng dưới góc độ pháp lý, cần xem xét thỏa thuận độc quyền và các cách thức thực hiện của Abbott và 3A là song phương, chỉ có giá trị ràng buộc quyền và nghĩa vụ giữa hai bên với nhau chứ không có giá trị đối với bên thứ ba. Việc ngăn cản các doanh nghiệp khác tham gia thị trường bằng cách không cho nhập khẩu sản phẩm này vô tình đã “bảo hộ” cho hành vi độc quyền của Công ty 3A.
Có lẽ chúng ta đã quá tập trung vào dòng chữ ghi thêm trên sản phẩm. Gọi là kỳ thị thì hơi nặng nề, nên hiểu đơn giản đó chỉ là “đánh dấu” cho biết sản phẩm này không do Công ty 3A nhập khẩu, tương tự ghi chú thêm của nhiều sản phẩm khác như: hàng dùng thử, hàng khuyến mại không bán…
Cách hữu hiệu nhất để giảm nhiệt là tìm ra một phương án phù hợp cho phép các chủ thể khác được nhập khẩu và phân phối dòng sản phẩm này khi đáp ứng đủ điều kiện, vì thực tế cũng chẳng có quy định nào của pháp luật VN cấm nhập khẩu và phân phối các sản phẩm có ghi nhãn hiệu như vậy cả. Đây là vấn đề cấp bách không những ở thời điểm hiện tại mà còn nhằm hạn chế những hành vi “gian thương” tương tự xảy ra trong tương lai.
Chỉ một dòng chữ nhỏ ghi thêm trên bao bì nhưng đã khiến liên ngành các bộ phải họp để tìm phương án xử lý, điều này cho thấy thủ thuật ngày càng tinh vi của các nhà sản xuất và phân phối trong công cuộc “làm giá”. Nếu để sự việc tiếp tục tồn tại, kéo dài và tạo thành tiền lệ xấu, thì chẳng phải việc tạo ra sự độc quyền để lũng đoạn thị trường ở VN là quá dễ dàng sao?
- Nga Lê
Theo phản ánh của một thành viên có mặt tại cuộc họp liên bộ ngày 19/1 vừa qua, mặt hàng chất dinh dưỡng Ensure dạng nước được đưa ra ngoài thị trường tiêu thụ khi chưa có kết quả kiểm tra chất lượng và chưa được Bộ Y tế xác nhận công bố chất lượng sản phẩm. Nhà sản xuất (Công ty Abbott Laboratories - Mỹ) và nhà phân phối - Công ty TNHH dinh dưỡng 3A (Công ty 3A) có dấu hiệu tạo thế độc quyền, biểu hiện rõ nhất là Hãng Abbott từ năm 2013 cho in bổ sung trên nhãn hàng sản phẩm Ensure dòng chữ “not to be sold in Vietnam or Mexico” (không bán tại VN và Mexico), để tạo độc quyền, đội giá sản phẩm tại VN. Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH-CN khẳng định không bảo hộ nhãn hiệu “not to be sold in Vietnam or Mexico” mà chỉ bảo hộ cho nhãn Ensure. Nên việc Hãng Abbott in dòng chữ này có thể gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng, cần phải xem xét. Theo Thanh Niên |