Căn nhà tại quận 3 của Phan Sào Nam được giới bất động sản định giá 400 tỷ tại thời điểm hiện nay. Trước đó, nhờ tiền đánh bạc, Nam đã mua căn nhà này với giá 270 tỷ đồng. Tuy nhiên, người trực tiếp đứng tên căn nhà này lại là một phụ nữ kín tiếng với khối tài sản khổng lồ đầy bí ẩn.

Căn nhà mặt tiền 900m2 giữa trung tâm

Từ nguồn thu bất chính từ hoạt động tổ chức đánh bạc qua mạng, ông trùm Phan Sào Nam đã nhờ dì ruột của mình là Phan Thu Hương, SN 1961 mua nhiều bất động sản để “rửa tiền”, hợp thức hóa một phần thu nhập từ hoạt động tổ chức đánh bạc.

Căn nhà 45 Lê Quý Đôn, quận 3 (TP.HCM) mà Phan Sào Nam nhờ dì ruột đứng tên mua với giá 270 tỷ đồng nằm ở khu trung tâm của quận 3 sầm uất. Căn nhà này đang cho một nhà hàng thuê mỗi tháng gần 100 triệu đồng. Cho đến trước khi bị điều tra làm rõ và kê biên thì bà chủ căn nhà là một nhân vật đầy bí ẩn.

{keywords}
Nhà 400 tỷ của Phan Sào Nam

Theo giới đầu cơ bất động sản, với diện tích gần 1.000m2 căn lại nằm ở khu đất vàng của trung tâm TP.HCM, căn nhà trên hiện có giá khoảng 400 tỷ đồng.

Phi vụ 1.200 lượng vàng khó tin

Liên quan tới sai phạm tại Dongabank, trong kết luận điều tra bổ sung lần này nhắc đến trường hợp bị can Nguyễn Hồng Ánh (SN 1962, cựu trung tá, đội trưởng một đội nghiệp vụ Công an TP.HCM) bị đề nghị truy tố là đồng phạm với ông Trần Phương Bình (nguyên tổng giám đốc, phó chủ tịch HĐQT và chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Đông Á) về tội cố ý làm trái theo Điều 165 BLHS đối với 1.200 lượng vàng thu khống.

Theo hồ sơ, do có mối quan hệ thân quen từ trước nên ông Ánh và ông Bình thống nhất vay vàng để được hưởng lãi suất thấp hơn vay tiền. Tháng 1-2008, ông Ánh đề nghị vay 2.000 lượng vàng để góp vốn hợp tác kinh doanh. Tài sản đảm bảo cho khoản vay này là căn nhà và quyền sử dụng 339 m2 ở quận Phú Nhuận, quyền sử dụng 326 m2 đất ở phường Thảo Điền, quận 2 cùng 3.000 cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Gia Định.

Và ông Bình đã phê duyệt đồng ý cho ông Ánh khoản vay trên trong thời hạn cho vay là 12 tháng. Ngày 14/1/2008, ông Ánh ký nhận nợ số vàng này.

{keywords}

Tỷ phú Phương Thảo: Dạy máy móc biết cười

Nữ tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam cho biết, bay thời 4.0 có thể không cần con người phục vụ nhưng phải biết "dạy máy móc biết cười" và thế giới không thay đổi bởi công nghệ mà là giấc mơ của con người.

Trên thực tế, đã có những hãng hàng không trên thế giới đã bắt đầu ứng dụng công nghệ vào trong hoạt động, với những bộ phần hoàn toàn tự động, không có con người và trong tương lai có thể có những sân bay vắng bóng nhân viên phục vụ.

Tuy nhiên, việc "dạy máy móc biết cười" là một điều thực sự còn khó tin ở thời điểm hiện tại.

Nữ tỷ phú USD cũng chia sẻ về những nỗ lực và sự nhẫn nại để vượt qua rào cản, trong một thời gian dài ngành hàng không tương đối đóng cửa. Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp và doanh nhân là chính mình.

Ngả mũ với ông Nguyễn Đăng Quang

Hội đồng quản trị Masan của chủ tịch Nguyễn Đăng Quang vừa thông qua phương án bán toàn bộ gần 110 triệu cổ phiếu quỹ của công ty. Nhiều khả năng Masan của ông Nguyễn Đăng Quang sẽ bán thỏa thuận cho một đối tác thông qua CTCK Bản Việt.

Trước đó, hồi cuối 2017, Masan đã mua vào 100,66 triệu cổ phiếu quỹ nâng lượng cổ phiếu quỹ nắm giữ lên mức gần 110 triệu cổ phiếu quỹ như hiện nay. Mức giá bình quân mua vào khi đó chỉ khoảng 58.000 đồng/cp, với tổng giá trị khoảng 5,9 ngàn tỷ đồng.

{keywords}

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng thần tốc

Chỉ hơn 1 năm sau khi khởi công nhà máy VinFast, hình ảnh chi tiết ngoại nội thất về những chiếc xe hơi đầu tiên của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng đã được chia sẻ và bàn luận khắp các diễn đàn. Nếu không có gì thay đổi, hai mẫu SUV và Sedan đầu tiên sẽ được bán vào quý 2/2019.

Giấc mơ ô tô “Made in Vietnam” đang dần thành hiện thực và đây cũng là bước khởi đầu trong lĩnh vực sản xuất cũng như công nghệ của ông Phạm Nhật Vượng.

Dấn thân vào công nghệ là con đường ngắn nhất để tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng phát triển đột phá. Không chỉ sản xuất ô tô, kế hoạch của Vingroup còn có sản xuất các sản phẩm điện thông minh - gia dụng như điện thoại thông minh, tivi thế hệ mới,... Bên cạnh đó là thung lũng Silicon và quỹ đầu tư mạo hiểm 300 triệu USD cho lĩnh vực công nghệ.

Quyền lực của Bầu Đức bị chia sẻ

Sau khi lấy ý kiến cổ đông về việc miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT đối với ông Đoàn Nguyên Thu (em trai ông Đoàn Nguyên Đức) và một số nhân sự cao cấp khác, HAGL Agrico đã trình bổ sung 2 thành viên HĐQT mới, vốn là các lãnh đạo cao cấp của Thaco Trường Hải.

Trước đó, ngày 3/8/2018, HAGL đã ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư và hợp tác toàn diện giữa các cổ đông với đối tác là CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco), qua đó Thaco sẽ hỗ trợ Tập đoàn và CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG), công ty con của Tập đoàn, trong việc tái cơ cấu hoạt động và các khoản tài chính nhằm phù hợp dòng tiền trả nợ trước hạn.

Trên thực tế, Thaco của tỷ phú USD Trần Bá Dương đã và đang bơm tiền vào các doanh nghiệp của Bầu Đức. Với khối tài sản khổng lồ, các DN của Bầu Đức có thể sẽ dần hồi phục, thậm chí có thể trở thành đế chế trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, vai trò của Bầu Đức tại các doanh nghiệp của mình sẽ bị chia sẻ.

Shark Louis Nguyễn bán ra hàng trăm tỷ đồng cổ phiếu

Theo báo cáo của Vietnam Equity Holdings Tính tới cuối tháng 7, tổng giá trị danh mục của quỹ đạt 40,6 triệu Euro, trong đó, FPT và Vinamilk là 2 khoản đầu tư lớn nhất. Đợt bán cổ phiếu FPT vào cuối tháng 8 vừa qua của Vietnam Equity Holdings là khá lớn khi chiếm khoảng 30% danh mục quỹ.

Xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2007, Vietnam Equity Holdings là một trong ba quỹ thành viên thuộc Saigon Asset Management (SAM) do ông Louis Nguyễn làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc.

{keywords}

Trước khi thành lập SAM, ông Louis Nguyễn từng là giám đốc điều hành VinaCapital, phụ trách quỹ công nghệ DFJ VinaCapital. Trước đó, ông từng là TGĐ IDG Ventures Vietnam, một quỹ đầu tư vào các startup nổi tiếng tại Việt Nam.

Từ nhiệm Chủ tịch Chứng khoán BSC

CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT và thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2016-2020 đối với ông Đoàn Ánh Sáng theo nguyện vọng cá nhân kể từ ngày 14/9.

Liên quan đến ông Đoàn Ánh Sáng, Hội đồng Quản trị Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) cũng có quyết định cho thôi giữ chức vụ Phó tổng giám đốc kể từ ngày 31/8.

Trước đó, liên quan đến vụ án Phạm Công Danh tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB), cơ quan điều tra đã kiến nghị đề nghị kiểm điểm và xử lý hành chính đối với nhiều cán bộ BIDV, trong đó có ông Đoàn Ánh Sáng.

Còn theo kết quả kiểm tra vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung Ương cũng đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Đoàn Ánh Sáng.

Đặng Lê Nguyên Vũ đến tòa hòa giải ly hôn lần 3

Toà án Nhân dân TP.HCM mở phiên hoà giải lần thứ 3 vụ ly hôn của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo - những người gắn bó với thương hiệu nổi tiếng Cà phê Trung Nguyên.

Trước đó, Toà án Nhân dân TP.HCM đã có 2 lần hoà giải không thành vào các ngày 3/8 và 14/8. Hội đồng xét xử cũng đã triệu tập phiên toà ly hôn vào ngày 5/9 nhưng bà Thảo có đơn yêu cầu huỷ phiên toà này do chưa làm rõ vấn đề định giá tài sản.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên. Còn bà Lê Hoàng Diệp Thảo, hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cà phê hòa tan Trung Nguyên.

Bảo Anh (Tổng hợp)