Trong cuộc phỏng vấn với tờ báo Rzeczpospolita cuối tuần trước, Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Wladyslaw Bartoszewski cho biết, Ba Lan, với tư cách là bên ký kết Quy chế Rome, có nghĩa vụ tuân thủ các chỉ thị của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC). ICC hồi tháng 11 đã phát lệnh bắt giữ Thủ tướng Netanyahu và cựu Bộ trưởng quốc phòng Yoav Gallant của Israel vì các cáo buộc phạm tội ác chiến tranh, liên quan đến cuộc xung đột đang diễn ra ở Gaza.
Tờ Jerusalem Post đưa tin, Bộ trưởng Giáo dục Israel Yoav Kisch dự kiến sẽ là đại diện duy nhất của chính phủ nước này tại lễ tưởng niệm 80 năm ngày giải phóng trại tập trung Auschwitz ở Ba Lan vào tháng 1/2025. Tờ báo lưu ý, hiện “khó có khả năng” Tổng thống Israel Isaac Herzog sẽ tham dự sự kiện này.
Theo đài RT, mặc dù tất cả 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đều ký kết Quy chế Rome và do đó có nghĩa vụ thực thi lệnh bắt giữ của ICC, nhưng phản ứng của họ trước quyết định của tòa lại khác nhau. Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã công khai mời ông Netanyahu đến thăm, đồng thời đảm bảo chính quyền Budapest sẽ không thực thi lệnh bắt giữ.
Ngược lại, các quốc gia như Tây Ban Nha, Hà Lan, Bỉ, Ireland, Lithuania và Slovenia bày tỏ ý định tuân thủ các phán quyết của ICC, bất kể quyền miễn trừ ngoại giao. Ban đầu, Pháp bày tỏ ý định tuân thủ lệnh bắt giữ, nhưng sau đó viện dẫn các biện pháp bảo vệ quyền miễn trừ ngoại giao dành cho Thủ tướng Israel.
Hành động của ICC đã vấp phải phản đối mạnh mẽ từ giới chức Israel. Thủ tướng Netanyahu lên án quyết định bắt giữ ông “có động cơ chính trị”.