Theo RT, trong ngày 21/11, phía Mỹ đã lên tiếng phản đối việc Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ra lệnh bắt giữ với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoap Gallant.
"Về cơ bản, Mỹ bác bỏ quyết định của ICC về việc ban hành lệnh bắt giữ với các quan chức cấp cao Israel. Chúng tôi vô cùng quan ngại về việc các công tố viên vội vàng ra lệnh bắt giữ, cũng như những sai sót trong quy trình dẫn đến quyết định này. ICC cũng không có thẩm quyền với vấn đề của Israel", phát ngôn viên của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ cho biết.
Trái với phản ứng của Mỹ, các thành viên EU lại có lập trường khác về lệnh bắt giữ của ICC. Ủy viên đối ngoại EU Josep Borrell nói rằng quyết định của ICC "không phải chiêu trò chính trị", và các thành viên nên thực hiện lệnh này.
Bộ Ngoại giao Hà Lan tuyên bố nước này sẽ "hành động theo lệnh bắt giữ"; trong khi Italia, Thụy Điển, Na Uy và Ireland cũng bày tỏ sự ủng hộ với ICC. Về phía Pháp, Paris cho rằng lệnh bắt giữ "phù hợp với quy định của ICC", nhưng việc thực sự bắt giữ Thủ tướng Netanyahu sẽ vô cùng phức tạp.
Trong khi đó, phía Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng ICC đã đưa ra quyết định có phần chậm trễ, nhưng là một bước đi tích cực nhằm ngăn chặn thương vong gia tăng ở Gaza. "Giới chức Israel cần bị đưa ra trước công lý càng sớm càng tốt", Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Yilmaz Tunc nói.
Tại Trung Đông, Bộ Ngoại giao Jordan đã lên tiếng kêu gọi các bên liên quan tôn trọng và thực thi lệnh bắt giữ của ICC. Trong khi đó, chính quyền Palestine cũng ra tuyên bố hoan nghênh động thái của ICC.