Tuần Việt Nam giới thiệu một số trích đoạn trong bài viết: “Hồ Chí Minh - Huyền thoại đời thường” của tác giả Đỗ Hoàng Linh - Phó giám đốc Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

‘Tại sao của cải của nhân dân hễ sểnh ra là đút vào túi?’

Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, từ căn cứ địa về Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh ở 12 Ngô Quyền. Người được cấp mỗi tháng 200 đồng cho việc ăn uống. Tháng 9/1945, sau khi kêu gọi đồng bào cả nước "Sẻ cơm, nhường áo” để cứu giúp dân nghèo, Người cũng cương quyết gương mẫu thực hiện 10 ngày nhịn ăn một bữa.

Bà Viêng Khăm, phu nhân của Hoàng thân Lào Xuphanuvông kể: “Tôi ra đến Hà Nội, tìm mấy nơi đoán là chồng tôi sẽ lưu lại, nhưng không thấy. Những người đón tiếp đã đưa tôi đến Bắc Bộ Phủ. Vào phòng khách: không có ai. Phòng làm việc: vắng vẻ.

Người hướng dẫn đưa tôi xuống thẳng nhà bếp thì trời đất ơi! Cụ Hồ và ông Hoàng thân đang ngồi ăn cơm trong bếp. Thấy tôi, cả hai người buông đũa. Cụ Hồ đỡ tôi ngồi xuống ghế và bảo 'Cô ăn cơm luôn'. Tôi nhìn mâm cơm: Gạo lức chưa chà kỹ nên màu cơm hồng hồng. Muối mè, dưa chua, xì dầu…

{keywords}
Những ngày ở Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh tự chẻ củi, nấu ăn. Ảnh tư liệu

Cơm nước xong, ông Hoàng đưa tôi về chỗ nghỉ. Tôi thấy trong căn phòng ngủ mênh mông có cái giường nệm của Pháp rộng hơn 4m”. Khăn trải giường trắng tinh, nhưng vẫn phẳng phiu chưa từng có ai đặt lưng. Giữa sàn nhà là chiếc chiếu rộng và gối mây.

Cái gối dài có đến hơn một mét với những sợi mây căng như dây đàn. Tôi hỏi nhà tôi mấy hôm nay nằm phòng nào. Ông Hoàng chỉ chiếc chiếu giữa sàn nhà, nói: “Ngủ ở đây. Anh và Cụ Chủ tịch gối chung chiếc gối mây này”.

Năm 1951, khi đến thăm lớp chỉnh huấn chính trị toàn quân, được nghe báo cáo về tệ tham ô, lãng phí, Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán nghiêm khắc rồi đột nhiên hỏi những cán bộ nào đã có vợ rồi thì giơ tay!

Người chỉ vào một cán bộ đang giơ tay hỏi xem có bao giờ ăn bớt phần cơm của con không? Cán bộ này trả lời: “Thưa Bác, không ạ”. Người hỏi tiếp: “Thế thì tại sao của cải của nhân dân, tiêu chuẩn của chiến sĩ hễ sểnh ra là đút vào túi?”.

Có lần, đoàn công tác của Người theo kế hoạch định ghé vào một cơ sở để ăn trưa nhưng nghe có tiếng máy bay địch nên Người bảo anh em ra bìa rừng ngồi ăn. Hai đồng chí bảo vệ vào xóm bưng cơm có con gà luộc, đĩa cá và hai bát canh, lại mượn thêm chiếc chiếu của đồng bào ra ngồi, Người tỏ ý không vui: “Các chú không nên mượn chiếu, làm phiền đến dân”. Ngừng một lát, Người nói tiếp: “Trong khi nhân dân đang thắt lưng buộc bụng kháng chiến, mình ăn cơm thế này là ăn cơm 'quan' đấy”.

Người chia đôi tất cả các món ăn trên mâm, rồi bảo anh em đem một phần đã chia đưa vào biếu các gia đình nghèo trong xóm, phần còn lại Người cho ăn một nửa, một nửa gói dành để bữa sau.

Muốn mình Bác vất vả hay muốn để nhiều người vất vả vì một mình Bác?

Tháng 5/1958, Người chuyển sang ở nhà sàn trong khu Phủ Chủ tịch. Hàng ngày, đúng giờ quy định, dù mưa to, gió lớn, đường ngập nước, Người vẫn trở về dùng bữa tại nhà 54.

Một hôm, sắp hết giờ làm việc buổi sáng, trời đổ mưa to, đồng chí giúp việc xin phép được mang cơm sang nhà sàn, Người trầm ngâm nhìn trời mưa, hỏi: “Thế mang cơm sang cho Bác cần mấy chú?", “Dạ, thưa Bác, một đồng chí bê cơm, một đồng chí bê thức ăn và hai đồng chí đi kèm che mưa”, “Thế chú muốn một mình Bác vất vả hay muốn để nhiều người vất vả vì một mình Bác?”. Rồi Người xắn cao quần, tay cầm ô, tay chống gậy, lần từng bước qua con đường vòng quanh ao cá sang nhà ăn.

{keywords}
Bữa cơm đạm bạc của Hồ Chủ tịch với các cán bộ tại căn cứ cách mạng. Ảnh tư liệu

Hàng ngày, bữa cơm của vị Chủ tịch nước cũng rất đạm bạc, trên mâm cơm của Người thường có bát canh, một món xào hoặc thịt luộc, cá quả hoặc cá bống kho gừng và cà dầm tương hoặc dầm ớt quê nhà… Người thích ăn những món bình dân như vó bò, canh cua với rau chuối thái ghém hoặc dọc mùng. Bữa nào Người cũng ăn đúng hai bát. Trước khi ăn, áng chừng một khúc cá ăn không hết, Người lấy dao cắt đôi để lại một nửa cho bữa sau. Mỗi khi ăn xong, Người lại tự tay xếp bát đĩa gọn ghẽ để bớt việc cho các đồng chí phục vụ.

Có lần, đồng chí phục vụ đưa lên đĩa cá anh vũ, một loại cá quý chỉ có ở ngã ba sông Bạch Hạc (Việt Trì). Người bảo: “Cá ngon quá, thế mà chú Tô (Thủ tướng Phạm Văn Đồng) lại đi vắng! Thôi, các chú để đến chiều đồng chí Tô về cùng thưởng thức”. Thấy được khen, anh em gửi tiếp cá đến, nhưng khi thấy món cá hôm trước lại xuất hiện, Người không hài lòng: “Bác có phải là vua đâu mà phải cung với tiến?” rồi kiên quyết không ăn nữa.

Năm 1957, Người về thăm quê lần đầu, tỉnh nhà làm cơm chiêu đãi. Năm 1961, Người về thăm quê lần thứ hai, khi ngồi vào bàn ăn, Người bất ngờ chiêu đãi mọi người những gói cơm nắm vuông vức được chuẩn bị sẵn từ Hà Nội.

{keywords}
Khi đã là Chủ tịch nước, Người cũng vẫn tự cuốc đất, trồng cây, tưới nước xung quanh nhà sàn. Ảnh tư liệu

Năm 1965, cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đang ác liệt, nhân dân ta bắt đầu phải ăn cơm độn sắn, mỳ, ngô, Người dặn anh em: “Các chú thổi cơm độn cho Bác. Nhân dân, cán bộ ta ăn độn bao nhiêu phần trăm, độn cho Bác từng ấy”.

Khi đó, nhìn Người đã 75 tuổi mà phải ăn độn nên anh em xót quá, mới thưa là có quy định các cụ già trên 70 tuổi không phải ăn cơm độn, nhưng Người bảo: “Bác cũng nhiều tuổi, nhưng Bác còn khoẻ. Thế thì Bác theo cán bộ. Cán bộ thế nào Bác thế ấy”. Anh em xay ngô thật nhỏ, độn vào gọi là có, Người lại nhắc: 50% cơ mà!

Những hôm mời khách đến ăn cơm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều báo trước cho đồng chí cấp dưỡng biết để chuẩn bị và số tiền đãi khách được trừ vào tiền lương của Người, tuyệt đối không dùng một đồng công quỹ nào. Người thường mời cơm thân mật một số đồng chí trong Bộ Chính trị, đôi khi cả gia đình các đồng chí trong Trung ương, cán bộ, các anh hùng dũng sĩ miền Nam ra báo cáo công tác hoặc chữa bệnh. Những lần tiếp khách như vậy bao giờ Người cũng nhắc nhà bếp nấu món phù hợp khẩu vị để khách ăn ngon miệng.

Trong những lời tâm huyết gửi lại cho đời sau, Người đã viết: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa".

Đỗ Hoàng Linh

Bác Hồ: "Chủ tịch một nước còn nghèo, chưa có quyền hưởng thụ"

Bác Hồ: "Chủ tịch một nước còn nghèo, chưa có quyền hưởng thụ"

Kháng chiến thắng lợi, trở về Thủ đô HN, Bác không về ở trong ngôi nhà Toàn quyền cũ vì Bác bảo, Chủ tịch một nước còn nghèo, chưa có quyền hưởng thụ quá mức trung bình của người dân.