Bắc Giang là địa bàn tiếp giáp với tỉnh biên giới Lạng Sơn nên các đối tượng lợi dụng cung đường để trung chuyển, đưa người sang bên kia biên giới. Nhiều lao động ở Bắc Giang, đặc biệt là ở các huyện miền núi Lục Ngạn, Lục Nam có mối quan hệ làm ăn, sang Trung Quốc làm việc là cơ hội để các đối tượng xấu lợi dụng. Vì vậy, đây là địa phương tiềm ẩn nhiều nguy cơ mua bán người.

Ngày 14/3/2023, qua kiểm tra hành chính số nhà 24, ngõ 4, tổ 1, phường Thọ Xương, TP Bắc Giang, lực lượng chức năng xác định có 3 nhân viên nữ, trong đó có 2 người 15 tuổi, cùng thường trú tại thị trấn Ea T’Linh, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông đang ở đây.

Xác định có dấu hiệu vi phạm, tổ công tác đã yêu cầu Nguyễn Thế Anh, sinh năm 1979, trú tại đường Trần Nguyên Hãn 4, phường Thọ Xương và Lê Thị Sen, sinh năm 1994 ở xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa cùng 3 nhân viên nữ trên về trụ sở công an làm việc. 

Quá trình đấu tranh, Anh và Sen khai nhận đã chuyển 11,3 triệu đồng cho Đào Duy Lâm, sinh năm 1988, ở tổ 2, khu Trới 9, phường Hoành Bồ, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh để chuyển giao 3 nhân viên trên về làm nhân viên phục vụ rót bia tại một số quán karaoke trên địa bàn TP Bắc Giang. 

Sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Bắc Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam 4 tháng đối với Đào Duy Lâm, Nguyễn Thế Anh và Lê Thị Sen về tội “Mua bán người dưới 16 tuổi”. 

Một đối tượng ở thị trấn Kép (Bắc Giang) bị điều tra về hành vi mua bán người.

Để đấu tranh phòng, chống mua bán người, ngày 21/7/2023, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Bắc Giang đã ban hành Công văn số 2462/BCĐ-CAT về việc tăng cường đấu tranh phòng, chống mua bán người và triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7. 

Với vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh, Công an tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người để người dân nâng cao cảnh giác, tố giác tội phạm. Làm tốt công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, nhất là trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, không gian mạng. Quản lý chặt hoạt động xuất nhập cảnh. Công an các xã rà soát, đánh giá, đưa vào diện quản lý những đối tượng đã từng phạm tội mua bán người. 

Nâng cao cảnh giác, phòng ngừa

Qua công tác nắm tình hình, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bắc Giang nhận thấy, một số tỉnh lân cận có tình trạng công dân bị dụ dỗ, lôi kéo sang Campuchia làm việc, hứa hẹn “việc nhẹ, lương cao”. Sau đó các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật như: Tổ chức cho nạn nhân vượt biên và lôi kéo vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến, cơ sở kinh doanh dịch vụ massage, karaoke trá hình.  Nhiều nạn nhân bị ép bán dâm hoặc bị cưỡng bức lao động, muốn về nước phải trả một khoản tiền chuộc lớn. 

Phòng Cảnh sát hình sự đã chủ động tham mưu, có văn bản gửi các ban, ngành, cơ quan, đơn vị trong tỉnh để tổ chức tuyên truyền cho cán bộ, đoàn viên, học sinh, sinh viên. Cùng với đó rà soát các trường hợp đi Campuchia, thu thập các trường thông tin đề nghị cơ quan chức năng của Việt Nam phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự tiến hành giải cứu.

Được biết, tình trạng mua bán người không chỉ ở khu vực biên giới mà trong nội địa cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt đối với nhóm nữ tiếp viên tuổi vị thành niên làm việc tại các quán karaoke. 

Thống kê trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 85 đối tượng đang quản lý hơn 300 nữ nhân viên, giảm 50% so với năm 2022. Hiện nay, đa số các quán karaoke đang phải ngừng hoạt động liên quan đến công tác phòng cháy. Tuy nhiên, nhiều quán nhân viên vẫn lén lút để hoạt động trở lại. Đa số nhân viên làm ở đây đều là người dân tộc, trình độ học vấn thấp, hiểu biết hạn chế, điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn, dễ bị rủ rê, lôi kéo. Mặt khác khi được dụ dỗ làm công việc nhàn hạ, thu nhập cao thì đồng ý đi theo các đối tượng buôn người.

Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với tội phạm này, Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với các cơ quan chức năng nắm bắt các đường dây, các tổ chức lợi dụng đưa người sang bên kia biên giới để bán. 

Tập trung rà soát các bệnh viện, trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, bảo trợ xã hội để phòng ngừa bán trẻ sơ sinh; các trường hợp cho tặng hiến cơ thể người, nuôi con nuôi đề phòng bán gan, thận. Đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, vận động quần chúng tích cực tham gia phòng, chống tội phạm mua bán người, động viên nạn nhân và gia đình tố giác tội phạm. 

Theo bà Phạm Thị Hằng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, phụ nữ và trẻ em dễ sa vào cạm bẫy của bọn buôn người còn bắt nguồn từ nhận thức hạn chế. Vì vậy, Hội tập trung tuyên truyền sâu rộng đến những đối tượng có nguy cơ cao, những nơi sử dụng nhiều lao động nữ, có nhiều phụ nữ lấy chồng nước ngoài, các em gái chưa ngoan, có hoàn cảnh đặc biệt. 

Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, lồng ghép vào các buổi họp ở thôn, xóm, tổ dân phố, nhà trường; nói chuyện chuyên đề cho học sinh, sinh viên, phụ nữ để nhận biết phương thức, thủ đoạn và hậu quả của tội phạm mua bán người.

Tô Mỹ Bình, Nguyễn Thị Vân Anh , Nguyễn Hoàng Hà