Tại buổi gặp gỡ với doanh nghiệp ngày 4/12, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết nghề làm muối của địa phương được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá cao; đồng thời cũng được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp cho địa phương 130 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng phát triển nghề làm muối. Qua đó, góp phần động viên, đồng hành cùng bà con diêm diêm dân bảo tồn nghề truyền thống của tỉnh.
Theo ông Thiều, trong quy hoạch, tỉnh sẽ giữ lại hơn 1.600ha để làm muối và có những kế hoạch phát triển cụ thể để nâng cao giá trị hạt muối cũng như giúp diêm dân có cuộc sống tốt hơn.
“Dự kiến năm 2024, tỉnh sẽ tổ chức Festival muối để vinh danh, động viên những người dân gắn bó với nghề truyền thống của tỉnh”, người đứng đầu UBND tỉnh Bạc Liêu thông tin.
Về phía doanh nghiệp, bà Võ Thị Hồng Thoại, Giám đốc CTCP Vũ Võ cho biết, người dân địa phương rất tự hào về thương hiệu muối Bạc Liêu. Tuy nhiên, muối trắng dùng trong chế biến thủy sản chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Diêm dân làm ra hạt muối bán giá thấp nhưng đến tay người tiêu dùng lại cao.
Bà đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cần khảo sát nhu cầu sử dụng muối của các doanh nghiệp để đưa ra kế hoạch, quy hoạch phát triển hạ tầng nghề muối phù hợp.
Thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, trong niên vụ năm 2023, sản lượng muối toàn tỉnh đạt trên 27.000 tấn, trong đó muối trắng trải bạt là hơn 7.300 tấn, còn lại là muối sản xuất truyền thống.
Năng suất trung bình đạt gần 17 tấn/ha (đối với sản xuất muối truyền thống) và trên 37 tấn/ha (đối với muối trải bạt). Tổng số hộ sản xuất muối năm 2023 trên địa bàn tỉnh là 767 hộ, với 1.520 lao động.
Năm 2013 muối Bạc Liêu đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý muối ăn Bạc Liêu, được bảo hộ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Cuối năm 2020, Bạc Liêu vinh dự đón nhận Bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề làm muối ở Bạc Liêu”. Đây là lần đầu tiên Bạc Liêu có di sản văn hóa được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Hiện, muối Bạc Liêu không ngừng khẳng định thương hiệu và đã trở thành một trong những sản phẩm OCOP, góp phần quảng bá hình ảnh cho du lịch Bạc Liêu.