Tập trung phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn

So với các địa phương khác, Đông Hải giàu tiềm năng, thế mạnh để phát triển mạnh kinh tế biển.

Đông Hải có bờ biển dài 23km, có 2 cửa sông lớn là Gành Hào và Cái Cùng thông ra biển Đông; ngoài ra, huyện cũng có 2.140ha rừng phòng hộ ven biển và 3 nhà máy điện gió cùng cánh đồng muối trên 2.000ha đã được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 

Theo đó, tỉnh Bạc Liêu sẽ tập trung khai thác tiềm năng và thế mạnh về kinh tế biển của huyện Đông Hải theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo đảm phát triển bền vững. Phấn đấu năm 2025, xây dựng huyện Đông Hải trở thành huyện trọng điểm về kinh tế biển của tỉnh, là một trong những trung tâm sản xuất con giống thủy sản chất lượng cao, nuôi tôm sạch, chế biến thủy sản, muối xuất khẩu. 

Đặc biệt, huyện Đông Hải sẽ xây dựng các vùng nguyên liệu thủy sản tập trung, sản xuất theo hướng VietGap, GlobalGAP và nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao…

Để thực hiện mục tiêu này, huyện sẽ tập trung khai tác tốt tiềm năng và lợi thế kinh tế biển, đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản thâm canh, bán thâm canh, khai thác thủy sản xa bờ. Đầu tư, mở rộng sản xuất - kinh doanh theo hướng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa…

Nhất là tập trung đầu tư phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của huyện như: Du lịch sinh thái, du lịch ven biển, dịch vụ hậu cần nghề cá, khai thác và nuổi trồng thuỷ sản, công nghiệp ven biển, sửa chữa, đóng mới tàu thuyền; ưu tiên phát triển các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện năng lượng mặt trời gắn với quy hoạch du lịch sinh thái,…

Hiện nay, toàn huyện Đông Hải có đội tàu hơn 550 chiếc, chuyên hoạt động nghề khai thác, đánh bắt hải sản lớn nhất tỉnh. Nguồn lợi về thủy hải sản nơi đây khá phong phú. 

Phát huy thế mạnh trong khai thác và nuôi trồng thủy sản, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản của huyện trong quý 1/2024 đạt hơn 33.610 tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ. Trong đó, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt trên 39.513ha với sản lượng 17.433 tấn, tăng 5% so với cùng kỳ. Riêng về sản xuất muối, từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã tập trung sản xuất trên 1.306ha, sản lượng thu hoạch đạt trên 10.189 tấn.

Để phát triển thuỷ sản và nghề cá bền vững, huyện sẽ xây dựng chương trình, kế hoạch nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản phù hợp với các quy định, quy hoạch có liên quan; đồng thời thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai, bảo tồn, phục hồi và phát triển bền vững các hệ sinh thái biển, ven biển.

W-IMG_5166 Đông Hải Bạc Liêu usded.jpg
Huyện Đông Hải giàu tiềm năng, thế mạnh để phát triển mạnh kinh tế biển. Ảnh: Hải Yến

Phát triển kinh tế biển gắn với nhiệm vụ quốc phòng

Song song với việc phát triển kinh tế biển, huyện Đông Hải sẽ tập trung thực hiện tốt công tác đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội vùng biển, ven biển; nâng cao chất lượng hoạt động các đội tự vệ biển và đảm bảo an toàn vùng biển; gắn việc xây dựng khu vực phòng thủ với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, ngăn chặn và kịp thời đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.

Huyện sẽ từng bước cơ cấu lại đội tàu, tập trung phát triển đội tàu có công suất lớn có khả năng đánh bắt xa bờ và dài ngày trên biển thành những tổ, đội khai thác, trang thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, vừa làm nhiệm vụ khai thác hải sản, bảo vệ môi trường biển, vừa làm nhiệm vụ quốc phòng – an ninh vùng biển….

Để nâng cao hiệu quả cho hoạt động khai thác và hình thành hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá, thời gian qua, tỉnh Bạc Liêu đã khuyến khích, kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, thu mua hải sản, cung ứng nguyên - nhiên liệu, ngư lưới cụ... 

Được biết, Cảng cá Gành Hào hiện đang được nâng cấp, mở rộng hướng đến đạt tiêu chuẩn cảng cá loại 1, đáp ứng nhu cầu bốc xếp hàng hóa thủy hải sản cho tàu thuyền khai thác có công suất đến 600CV và phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá của địa phương. 

Song song với đó là việc ưu tiên đầu tư xây dựng khu neo đậu tránh trú bão Rạch Cốc, khu neo đậu tránh trú bão và bến cá Cái Cùng đến năm 2026 hoàn thành, đưa vào sử dụng; khu sản xuất giống thuỷ sản tập trung 200ha ở xã Long Điền Tây; nâng cấp đê Biển Đông và kè biển chống sạt lở thích ứng với biến đổi khí hậu; đảm bảo hài hoà giữa phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng – an ninh và an sinh xã hội, góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo. 

Việc xây dựng các khu neo đậu, tránh trú bão an toàn kết hợp với cảng cá và dịch vụ hậu cần sẽ tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân vươn khơi bám biển, nâng cao giá trị sản phẩm sau mỗi chuyến đi và thu nhập cho bà con ngư dân

Ông Trần Tuấn Kiệt, Chủ tịch UBND huyện Đông Hải, cho biết, năm 2024, huyện tiếp tục duy trì phát triển kinh tế nhanh và bền vững, từng bước xây dựng Đông Hải trở thành huyện trọng điểm về kinh tế biển của tỉnh. Đồng thời, gắn phát triển kinh tế biển với đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Thời gian tới, huyện sẽ cùng với các ngành chức năng trong tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện để phát triển đoàn tàu có công suất lớn, thiết bị hiện đại, có khả năng đánh bắt xa bờ, nhiều ngày trên biển,…; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó, trọng tâm là phát triển chuỗi giá trị sản xuất ngành tôm ứng dụng công nghệ cao.  

Hải Yến