Năm 2024, cuộc thi viết thư quốc tế UPU có chủ đề là: “Trong hành trình 150 năm qua, Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) đã phục vụ hơn 8 thế hệ người dân toàn cầu. Từ đó đến nay, thế giới đã có nhiều thay đổi. Hãy viết thư gửi các thế hệ tương lai để kể về thế giới mà bạn hy vọng họ được kế thừa”.

Tiếng Anh là: "At 150 years old, the UPU has served people around the world for more than eight generations. The world has changed enormously since then. Write a letter to future generations about the world you hope they inherit".

Chủ đề của cuộc thi năm nay gắn với kỷ niệm 150 năm thành lập Liên minh Bưu chính Thế giới (1874-2024).

Dưới đây là bài mẫu viết thư UPU lần thứ 53:

...Ngày… tháng… năm...

Chào các bạn - thế hệ tương lai của chúng tôi!

Tôi viết bức thư này, khi những dòng nước mắt đang tuôn trào. Tôi vừa có một cuộc tranh cãi gay gắt với bố mẹ. Cảm xúc thật tệ. Bạn thân mến, ở thế giới tương lai bạn có rơi vào hoàn cảnh như tôi?

Tôi năm nay 14 tuổi – cái tuổi tôi biết là chưa đủ lớn nhưng cũng không còn là quá bé. Vậy nhưng trong mắt bố mẹ tôi luôn là một cô bé cần được bao bọc và che chở.

Từ bé, tôi luôn phải sống bằng sự lựa chọn, quyết định của bố mẹ từ việc nhỏ đến việc lớn. Tôi biết bố mẹ luôn sẽ có những lựa chọn tốt nhất cho tôi. Tuy nhiên sự tốt nhất đó là theo suy nghĩ của bố mẹ, không phải trong suy nghĩ của tôi.

Nhiều lần, tôi chia sẻ: "Con thích điều A, điều B" tuy nhiên bố mẹ tôi không để tâm. Bố mẹ luôn nói: “Con phải thế này… thế kia…. Bố mẹ đã tìm hiểu kỹ”. Và cứ thế, tôi thực hiện theo lựa chọn của người khác. Tôi chưa bao giờ có quyết định nào cho bản thân. Từ việc lựa chọn quần áo, môn học ngoại khóa cho đến những việc lớn hơn như thi trường này, trường kia hay kết bạn với bạn nào… bố mẹ đều can thiệp, điều chỉnh tất cả các hành vi của tôi.

Tôi biết, cha mẹ nào không muốn con mình thành công và hạnh phúc, nhưng đôi khi mong ước ấy lại vô tình tạo thành những suy nghĩ áp đặt các bước cho cuộc đời của con theo lập trình định sẵn. 

Sự bao bọc đó khiến tôi nghẹt thở. Nhiều lần tôi đã cố thoát ra, thực hiện các việc theo lựa chọn của bản thân nhưng đổi lại là sự đay nghiến, giày vò của mẹ. Quát mắng không được, mẹ tôi đã khóc lóc, mắng tôi là không biết thương mẹ, rồi: “Cá không ăn muối cá ươn/Con không nghe cha mẹ trăm đường con hư”…. Không khí gia đình vô cùng nặng nề. Cuối cùng tôi lại thỏa hiệp. Đổi lại, tôi càng khép kín, thu mình hơn. Tôi sống trong thế giới riêng mình, ít giao tiếp, chia sẻ với gia đình.

Qua trò chuyện, tôi cũng biết nhiều bạn rơi vào hoàn cảnh tương tự như tôi. Tôi tin hiện nay vẫn còn rất nhiều người phải chịu sự gò bó, áp đặt của cha mẹ trong học tập hay trong cuộc sống hàng ngày. Chúng tôi cũng được đi học, đọc sách, tiếp cận các thông tin thông qua mạng internet… Chúng tôi có kiến thức - dù chưa nhiều để có thể có những quyết định, lựa chọn cho chính mình. Chúng tôi muốn là chính mình, được làm những việc mình yêu thích và chịu trách nhiệm cho các hành động, lựa chọn đó. Tôi không muốn sống hộ những ước mơ, mong muốn của mẹ. Lúc đó, tôi đã là bản sao của bố mẹ, không còn là chính mình.

Năm 2024, cuộc thi viết thư quốc tế UPU có chủ đề là: “Trong hành trình 150 năm qua, Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) đã phục vụ hơn 8 thế hệ người dân toàn cầu. Từ đó đến nay, thế giới đã có nhiều thay đổi. Hãy viết thư gửi các thế hệ tương lai để kể về thế giới mà bạn hy vọng họ được kế thừa”.

Ngay khi đọc chủ đề này, tôi cảm thấy thật đồng cảm. Tôi viết bức thư này, để chia sẻ tâm trạng của mình, thể hiện mong ước của tôi và cũng là của nhiều bạn khác. 

Tôi hy vọng ở tương lai bạn được kế thừa một thế giới tôn trọng trẻ em. Nơi đó trẻ em được thỏa sức sáng tạo, nói lên ước mơ và chính kiến của mình. Nơi đó trẻ em được sống với đúng là chính mình. Điều đó sẽ không phải là viển vông, bạn có nghĩ như vậy không?

Ngay sau khi viết bức thư này, tôi nghĩ mình sẽ thay đổi, biến mong ước thành sự thật bắt đầu từ bây giờ. Cụ thể là tối nay, tôi sẽ nói chuyện lại với bố mẹ, hy vọng sự chân thành của tôi sẽ được người lớn tiếp thu. 

Thương mến!

Ký tên