Đề án 161 về triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hoá – Xã hội ASEAN đến năm 2025 (Đề án 161) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016, với mục tiêu thúc đẩy việc xây dựng thực hiện có hiệu quả ở cấp quốc gia các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025, nhằm đạt được các mục tiêu khu vực về xây dựng một cộng đồng ASEAN hướng vào người dân, lấy người dân làm trung tâm và có trách nhiệm xã hội.

Đề án bao gồm các hoạt động: xây dựng cộng đồng gắn kết và mang lại lợi ích cho người dân; xây dựng cộng đồng hòa nhập; xây dựng cộng đồng bền vững; xây dựng cộng đồng tự lực tự cường; xây dựng cộng đồng năng động.

Nhờ sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua nhằm triển khai các chương trình, hành động cụ thể, Đề án 161 về triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hoá – Xã hội ASEAN đến năm 2025 đã thành công trong việc lồng ghép tổng thể nội dung ở tất cả các cấp quản lý chương trình, kế hoạch và được thực hiện toàn diện, sâu và rộng đến tất cả các lĩnh vực văn hóa – xã hội. 

W-anhhoithao.png
Hướng dẫn xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án 161 giai đoạn 2021-2025 (điểm cầu Sóc Trăng)

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho hay, vừa qua, Bộ đã hướng dẫn và phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng, hoàn thiện các kế hoạch thực hiện Đề án 161, giai đoạn 2021 - 2025.

Các kế hoạch đã lồng ghép được hầu hết các mục tiêu của Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN thông qua những hoạt động ngày càng cụ thể hơn, gắn với chương trình, kế hoạch phát triển 5 năm, 10 năm của từng Bộ, ngành, địa phương trong lĩnh vực văn hóa - xã hội.

"Việc thực hiện Đề án 161 của chúng ta bám sát các mục tiêu của Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN 2025, góp phần đạt được mục tiêu chung của khu vực là hướng vào người dân, lấy người dân làm trung tâm và có trách nhiệm xã hội", Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.

Theo đánh giá sơ bộ, giai đoạn 2021 - 2023, một phần do khách quan ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc triển khai thực hiện Đề  án 161 vẫn chưa đạt tiến độ theo kế hoạch đề ra; vấn đề nguồn lực vẫn còn khá hạn hẹp; đội ngũ cán bộ chuyên trách thiếu hoặc phải kiêm nhiệm khá nhiều nhiệm vụ cùng một lúc.

Bên cạnh đó, trình độ ngoại ngữ, kiến thức về ASEAN nói riêng và hội nhập cũng là một rào cản khá lớn trong quá trình triển khai Đề án 161.

Trên cơ sở kinh nghiệm thực hiện Đề án giai đoạn 2016 - 2020, Hội nghị thống nhất đề xuất cần thúc đẩy phân bổ nguồn lực, nhân lực và tài chính, chú trọng hơn nữa công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về Đề án 161 nói riêng, hợp tác ASEAN nói chung trong quá trình triển khai thực hiện thời gian tới.

Các Bộ, ngành thuộc Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN tại Việt Nam đã thông tin thêm với các đại biểu về tình hình hợp tác ASEAN trong từng lĩnh vực chuyên ngành và những vấn đề mới gắn với các ưu tiên cấp quốc gia. Từ đó, giúp các tỉnh, thành phố có thể tham khảo, lồng ghép triển khai với các hoạt động liên quan ở cấp địa phương.

Văn Quý và nhóm PV, BTV