“Năm nào chúng ta cũng nói nhiều về khó khăn, thách thức, đó là chuyện hết sức bình thường. Vấn đề là càng khó khăn, thách thức thì mới càng tạo ra sức ép làm nên động lực đổi mới. Điều tôi lo không phải là khó khăn, thách thức mà là nằm ở chỗ chúng ta có dám chủ động đổi mới trước khó khăn, thách thức đó hay không”, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ với Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh.

Cách thức điều hành phải đổi mới

. Phóng viên: Kinh nghiệm từ 30 năm đổi mới cho chúng ta những kinh nghiệm gì về điều này, thưa ông?

+ TS Nguyễn Đình Cung: 30 năm qua, chúng ta đã đổi mới nhiều. Nhưng hiện nay chúng ta đang đứng trước vấn đề tăng trưởng theo chiều rộng, nhờ vào tăng vốn đầu tư, nguồn lao động, tài nguyên. Cách thức tăng trưởng đó đã tới hạn, tài nguyên khai thác cạn kiệt, số lượng lao động đã giảm dần…

Lâu nay chúng ta điều hành thúc đẩy tăng trưởng là mở rộng đầu tư. Điều đó đúng nhưng khi nói đến đầu tư thì chúng ta nói đến tăng chi phí nhà nước, mở rộng tín dụng. Khi tăng trưởng kém đi và có thể không đạt mục tiêu thì nghĩ đến việc khai thác thêm dầu, than để đảm bảo tăng trưởng. Cách thức đó không thể tiếp tục nếu muốn tăng trưởng cao.

. Tức là tăng trưởng phải có một nền tảng khác?

+ Chúng ta đã nhấn mạnh đến tăng trưởng chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu. Nghĩa là phải dựa vào tăng năng suất lao động, hiệu quả sử dụng nguồn lực, sức cạnh tranh nguồn lực kinh tế.

Vì vậy, cách thức điều hành phải thay đổi. Thay vì sử dụng các công vụ vĩ mô thì phải làm cho thị trường cạnh tranh. Đó là con đường duy nhất tạo động lực thay đổi. Cạnh tranh để lựa chọn, để cải cách và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường.

. Khi thị trường phát triển, vậy hình hài và phương thức hoạt động của Nhà nước sẽ như thế nào?

+ Nhà nước phải thu hẹp và bớt can thiệp hành chính. Những chỗ nào chưa có thị trường thì phải xây dựng thị trường. Ví dụ, thị trường quyền sử dụng đất dứt khoát phải xây dựng. Ở đâu thị trường méo mó thì phải làm bớt méo mó đi. Ở đâu Nhà nước can thiệp quá nhiều thì Nhà nước phải bỏ.

Đây là một sự đổi mới vai trò, chức năng của Nhà nước. Mọi tuyên bố và hô hào không thể thay đổi cho sự đổi mới chức năng, vai trò, năng lực hành chính của bộ máy nhà nước.

Lâu nay chúng ta nói thị trường hàng hóa, dịch vụ tương đối tốt. Nhưng thị trường sản xuất rất méo mó, thị trường quyền sử dụng đất chưa có, thị trường lao động rất kém, phân mảnh và chia cắt. Thị trường tài chính kém phát triển. Giá cả, các yếu tố sản xuất chưa được quyết định bởi thị trường vẫn bị can thiệp bởi quyết định hành chính.

Ví dụ giá đất, giá vốn (lãi suất), giá lao động (tiền lương), giá tài nguyên môi trường, những giá căn bản nhất đều được quyết định bằng mệnh lệnh hành chính chứ chưa phải tín hiệu thị trường.

Những gì không phù hợp phải đào thải

. Gần đây, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã có những phát ngôn và hành động cụ thể báo hiệu những đổi mới mạnh mẽ. Làm sao để thúc đẩy tâm thế dám thay đổi đó?

+ Tốt nhất là Nhà nước phải tự đổi mới. Không chỉ cơ quan nhà nước mà cả doanh nghiệp (DN) nhà nước cũng phải đổi mới. Khi đó từng công chức, từng phòng, từng vụ, từng bộ phải thay đổi.

Trước hết phải đổi mới phương thức, kỹ năng và năng lực quản lý nếu chưa thay đổi được vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước.

Chẳng hạn, khi thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực thanh tra, kiểm tra thì không nhấn mạnh đến tiền kiểm mà phải thực hiện hậu kiểm. Nhà nước phải có công cụ thu thập dữ liệu DN để phân tích, đánh giá chỗ nào rủi ro nhất để kiểm tra. Không phải theo cách thức bây giờ là DN nào to, DN nào thành công thì đi kiểm tra, thanh tra. Đó là cách thức ngược và không nhân văn.

Lẽ ra những DN lớn, có cách thức quản trị tốt, có uy tín và thành công trên thị trường thì không cần kiểm tra. Thay vào đó phải kiểm tra những DN có nguy cơ rủi ro cao về môi trường, tài chính… để theo dõi, đánh giá. Không phải cứ lập thanh tra để tuần tự kiểm tra toàn bộ DN. Tư duy đó rất dở. Phải thay đổi.

. Nhưng quán tính của bộ máy nhà nước mấy chục năm qua thì khó thay đổi một sớm một chiều. Ông nghĩ sao?

+ Tôi đã nói phải có áp lực để những ai không phù hợp, những gì không phù hợp phải đào thải. Báo chí phát hiện những trường hợp cụ thể. Các DN phải mạnh dạn, thông qua các hiệp hội để phản ánh những thắc mắc, những vấn đề cần thay đổi. Nhà nước cần giải quyết dứt điểm những nút thắt đó.

Nếu làm được như vậy, niềm tin của người dân, DN sẽ được nâng lên và hoàn toàn có thể đồng hành với sự đổi mới mà Thủ tướng và Chính phủ đã phát động.

. Phóng viên: Ông nhận định thế nào về mô hình tổ công tác của Thủ tướng?

+ TS Nguyễn Đình Cung: Đó mới chỉ là hình thức kiểm tra, điểm danh đầu việc, nhiệm vụ của Thủ tướng và Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương. Quan trọng hơn là phải kiểm tra mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Khi đó không cần đội đặc nhiệm tinh nhuệ đâu. Chỉ cần một tổ công tác giải quyết được dứt điểm, phù hợp những mâu thuẫn giữa nhà nước kiến tạo, phục vụ với thị trường sáng tạo và tinh thần kinh doanh liêm chính.

Việc kiểm tra của tổ công tác vừa qua cũng cần thiết nhưng cần đi vào những nội dung cụ thể trong sự lấn cấn giữa thị trường và Nhà nước.


Theo Chân Luận/Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh