Tại hội nghị sơ kết của ngành kết nối với nhiều tỉnh, thành trên cả nước ngày 15/7, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói: “Chúng ta đã thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần cải cách, phát triển trong từng bộ, ngành, địa phương, tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp để giải quyết khó khăn, vướng mắc…”.

Lời động viên này được đưa ra trong bối cảnh Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng năm nay ở mức 6,5-7%, cao hơn chỉ tiêu 6-6,5% của Quốc hội và cao hơn nhiều so với dự báo 5,8% của IMF, 5,5% của Ngân hàng thế giới và 6% của ADB cho Việt Nam.

Mục tiêu tăng trưởng như trên rất thách thức trong bối cảnh không ít công chức ở nhiều ngành, nhiều địa phương đã không dám làm gì, không dám quyết gì dưới áp lực sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ hồi tố…

Cảng Hải Phòng (34).jpg
Để hoàn thành chiến lược 10 năm 2021-2030 có tăng trưởng 7%, trong giai đoạn 2026-2030 phải phấn đấu tăng trưởng cao trên 7,5%. Ảnh: Hoàng Hà

Trong nhiều báo cáo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn nhắc lại tình trạng cần kiên quyết khắc phục tình trạng sợ sai, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Bên cạnh đó là nhu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; phát huy sự chủ động, quyết tâm đột phá, dám nghĩ, dám làm của các cấp, ngành, địa phương gắn với đề cao trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu. Đồng thời, xác định khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân cũng là khó khăn, vướng mắc của mình để chủ động, tích cực tháo gỡ.

Tinh thần này đã phanh lại những nỗ lực thúc đẩy phát triển ở khu vực công và tư.

Giải ngân đầu tư công được 29%

Đầu tư công, một trong những trụ cột quan trọng nhất cho phát triển khi bối cảnh đầu tư của khu vực tư giảm sút, là một ví dụ. Trong nửa đầu năm nay, tỷ lệ giải ngân đầu tư công chỉ đạt 29,39% kế hoạch; tỷ lệ giải ngân ở các địa phương chỉ đạt gần 29%, thấp hơn năm 2023 là 33%.

Ở đầu tàu kinh tế thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), địa phương này có nguồn vốn gần 79.200 tỷ đồng, cao hơn năm ngoái 11.200 tỷ đồng. Trong nửa đầu năm nay, Thành phố chỉ giải ngân được gần 11.000 tỷ, tương đương 13,8%, chưa bằng một nửa tiến độ giải ngân cả nước.

Tăng trưởng của TP.HCM mấy năm gần đây cũng chậm lại so với trung bình của các giai đoạn phát triển trước.

Hà Nội năm nay có số vốn đầu tư công hơn 81.000 tỷ đồng, đã giải ngân hơn 17.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm, đạt 21,2% kế hoạch năm. Hà Nội là địa phương có tốc độ giải ngân cao nhất cả nước, nhưng cũng đang vướng mắc tại dự án PPP thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô.

Các nhà làm kế hoạch Thủ đô ước tính, sớm nhất là đến tháng 11/2024 mới hoàn thành các thủ tục thầu cho dự án này. Vì vậy, việc giải ngân số vốn 4.190 tỷ đồng cho dự án khó khả thi, kéo theo đó là ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ giải ngân chung của Hà Nội.

Doanh nghiệp tư nhân hụt sức

Trục trặc của khu vực công đã ra khu vực tư, được thể hiện qua nhiều số liệu. Đầu tư của khu vực tư nhân trong nước chỉ tăng 6,7% trong nửa đầu năm nay, sau khi rơi xuống mức tăng thấp kỷ lục là 2,7% năm 2023.

Mach 3.jpg
Việc hoàn thành các dự án đường dây 500 kV từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) là yêu cầu cấp thiết nhằm bảo đảm cung ứng đủ điện cho miền Bắc. Ảnh: Báo Chính phủ

Nếu loại trừ lạm phát thì đầu tư tư nhân thấp, nhiều quý tăng trưởng âm. Đây là tình trạng báo động nếu so với mức tăng đầu tư của khu vực này ở mức 15-17% các năm trước đây và đầu tư của khu vực tư, chiếm tới 55-60% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, mới là động lực chính cho tăng trưởng ở Việt Nam.

Trong khi đó, nửa đầu năm 2024, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động gần 120.000, gần tương đương với hơn 110.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Như vậy, tỷ lệ doanh nghiệp gia nhập thị trường so với số rút khỏi thị trường là 1/1, là mức thấp nhất trong nhiều năm nay. Trước đây, thông thường 4 doanh nghiệp gia nhập thì 1 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

Một khảo sát với hơn 30.000 doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê cho thấy, 53,8% doanh nghiệp được hỏi cho biết họ gặp khó khăn do nhu cầu thị trường trong nước thấp; có 46,9% doanh nghiệp gặp khó khăn do không có hợp đồng xây dựng mới.

Các khuyến nghị cải cách

Ông Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc tăng lương từ 1/7 đang tạo áp lực về tăng giá và lạm phát. Bên cạnh đó, sức mua của người dân và nhất là đầu tư tư nhân cần phải được khuyến khích tăng cao trong nửa cuối năm mới hỗ trợ cho tăng trưởng phục hồi.

Ông Sinh kể, gần đây ông và Tổ Biên tập (văn kiện) đi khảo sát vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng núi phía Bắc, nghe các địa phương kêu ca hiện có 3 điểm nghẽn chung; đó là trình tự, thủ tục về xây dựng, về đầu tư và cấp phép tài nguyên, môi trường.

“Kinh nghiệm cho thấy là cần phân cấp triệt để hơn nữa. Trung ương phân cấp cho địa phương là một bước, nhưng địa phương cần phân cấp mạnh cho cấp dưới ở quận, huyện mới giúp thúc đẩy được”, ông nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương nhận xét, tăng trưởng ở các địa phương từng là đầu tàu kinh tế giờ đã tụt xuống rất sâu. Các địa phương này trước đây đóng góp cho 50% GDP toàn quốc, thì nay chỉ còn đóng góp 20-30%.

Ông Cung kể, có những thủ tục xây dựng trong khu công nghiệp trước đây mất 22-23 tuần thì nay mất 3-4 lần vì các bộ, ngành ban hành thêm các thủ tục mới mà doanh nghiệp không thể tuân thủ được.

“Nhìn vào đầu tư, năng lực của nền kinh tế và các rào cản do thủ tục như bây giờ thì tiềm năng tăng trưởng sẽ giảm sút trong trung và dài hạn”, ông nói.

Còn ông Cao Viết Sinh tính toán, để có tăng trưởng 6,5-7% năm nay thì trong 6 tháng cuối năm phải có tăng trưởng từ 7-7,5%. “Đây là thách thức lớn, cần có kế hoạch cụ thể quyết liệt và hành động rõ ràng vì đây cũng là cơ sở quan trọng cho kế hoạch 2025 và xa hơn kế hoạch 5 năm giai đoạn tiếp theo”.

Trong khi đó, Tiểu ban Kinh tế xã hội tính toán, để hoàn thành chiến lược 10 năm 2021-2030 có tăng trưởng 7%, thì trong giai đoạn 2026-2030 phải có phấn đấu tăng trưởng cao trên 7,5%, thậm chí hơn 8% để bù lại cho giai đoạn 2021-2025.

Những con số này rõ ràng là thách thức không hề nhỏ, đòi hỏi sự quyết liệt ở từng ngành, từng địa phương.

Về phần mình, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng không lạ với những thách thức này khi ông nói cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Hiện tại,  Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Chính phủ chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo để rà soát các vướng mắc, điểm nghẽn ở tầm luật, xây dựng một luật sửa nhiều luật để tháo gỡ; nghiên cứu mở rộng áp dụng các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù; cơ chế tháo gỡ cho các doanh nghiệp, dự án tại một số địa phương đã phát huy hiệu quả.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang ấp ủ kế hoạch sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật PPP theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa trình tự, thủ tục, tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng muốn làm rõ thêm việc hoàn thiện pháp luật; thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô; thu hút FDI, thúc đẩy đầu tư tư nhân; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp; giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng; phát triển các ngành, lĩnh vực mới, tiềm năng.

“Tôi rất cần có thêm những kinh nghiệm tốt, bài học hay, cách làm sáng tạo, giải pháp mới để tiếp tục phát huy. Từ đó, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất chính sách, các quan điểm, định hướng mới trên tinh thần đột phá, dám nghĩ, dám làm, nỗ lực cao nhất để đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp”, ông nói.

Tư Giang

Doanh nghiệp không muốn nhận hỗ trợ của Nhà nước vì sợ rủi roÁch tắc hành chính rất phổ biến với doanh nghiệp. Thủ tục hiện nay thường kéo dài gấp 3 lần so với thời gian trước. Một dự án đầu tư trong khu công nghiệp trước đây mất khoảng 23-24 tuần để hoàn tất thủ tục thì bây giờ gấp 3-4 lần như thế mới xong.