Chiều nay (1/7), UBND TPHCM đã tổ chức sơ kết tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, đề ra nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TP cho rằng, mặc dù GRDP 6 tháng đầu năm tăng trưởng 6,46%, nhưng bức tranh kinh tế của TPHCM đang chậm lại so với cả nước.
Nếu như quý 1, GRDP tăng 6,54%, cao hơn bình quân cả nước 0,67% thì đến quý 2 chỉ còn 6,34%, thấp hơn cả nước 0,62%.
Dù đã nửa năm trôi qua, TPHCM mới chỉ giải ngân gần 10.963 tỷ đồng, đạt trên 13,8%. Quý 1 giải ngân 7% thì quý 2 tụt xuống 6,8%, trong khi thành phố đặt mục tiêu giải ngân đến quý 2 phải trên 22%.
6 tháng còn lại của năm 2024, mỗi tháng TP phải giải ngân 13%, bằng giải ngân của 6 tháng đầu năm. Đây là thách thức lớn cho thành phố.
Chung góc nhìn, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho rằng, tình hình giải ngân đầu tư công của TP hiện đang 'rất đáng lo'. Theo ông Lâm, nếu vẫn thực hiện như hiện nay thì khả năng giải ngân năm 2024 sẽ không bằng năm ngoái.
"Hai vướng mắc lớn nhất hiện nay của đầu tư công là quy hoạch và bồi thường giải phóng mặt bằng dù đã được lãnh đạo TP.HCM họp tháo gỡ thường xuyên nhưng chưa có nhiều chuyển biến" - lời ông Lâm.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi tỏ ra khá lo lắng về 'bức tranh' giải ngân đầu tư công khá chậm của TP.
Theo ông, đến nay qua 6 tháng, giải ngân cũng chỉ đạt 13,8%, trong khi chỉ tiêu đề ra là 30%.
"Tuần vừa rồi, chúng ta giải ngân được khoảng 2.716 tỷ đồng. Như vậy, mục tiêu giải ngân 10.000 tỷ/tháng là hoàn toàn có thể làm được. Giải ngân đầu tư công đến nay không đạt thì chúng ta phải rà soát, phân tích để rút ra bài học cho thời gian tới", ông Mãi yêu cầu.
Ông Mãi cũng thông tin, UBND TP sẽ có chuyên đề riêng bàn về đầu tư công. Nhưng trước mắt, ông đề nghị các đơn vị tập trung các giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy việc này.
Ông Phan Văn Mãi đề nghị các ban, ngành, địa phương rà soát, nếu dự án nào có thể chuyển giao để quận huyện làm nhanh hơn thì đề xuất giao luôn, trên tinh thần thủ tục chuyển giao phải làm nhanh, gọn nhất có thể.
Ông cũng yêu cầu các sở ban ngành, quận huyện rà soát các dự án, đề xuất điều chỉnh vốn đầu tư công gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình UBND TP để xin ý kiến HĐND TP điều chỉnh kịp thời.
“Cần phải rà soát lại một cách hệ thống, các dự án tồn đọng, vướng mắc chỗ nào để tháo gỡ, khơi thông việc giải ngân. Để 6 tháng còn lại của năm 2024 đạt chỉ tiêu đề ra giải ngân khoảng 95% vốn đầu tư công trên địa bàn”, ông Mãi yêu cầu.
"Chỉnh trang các khu ổ chuột là vấn đề sống còn của TPHCM" Vấn đề trên được TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 nêu tại hội nghị. TS Trần Du Lịch đề xuất Sở Xây dựng TP cần tập trung cho chương trình nhà ở, bởi ông cho rằng "đây là vấn đề sống còn của TPHCM". Theo ông, thực trạng hiện nay, có người ở 100m2 rất nhiều, nhưng cũng có người sống trong 'bao diêm' chỉ một vài m2 cũng không ít. Ông cho biết, vấn đề mà Bí thư quận 1 Dương Anh Đức nêu ở Hội nghị Thành ủy về nhà ở chật chội, người dân chia ca để ngủ...là rất sát thực tế, bởi "có đi, có thấy và đúng là không thể tưởng tượng được". Theo TS Trần Du Lịch, triển khai chương trình nhà ở là phải chỉnh trang các “khu ổ chuột” như trên, đây là vấn đề được xem là quan trọng của thành phố. Nếu tập trung chỉnh trang các khu vực này, sẽ là điểm sáng nhất về mặt con người, về mặt xã hội… cho kỳ Đại hội 12 sắp tới của thành phố. |