Cuối năm 2023, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) có các khoản tiền mặt và tiền gửi là gần 347.600 tỷ đồng trên tổng tài sản 1,1 triệu tỷ đồng. Cùng thời điểm này, Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT) có tài sản tiền và tiền gửi ngân hàng ở mức 61.000 tỷ đồng chiếm 58% tổng tài sản.

Hai tập đoàn trên là các doanh nghiệp sản xuất, không phải là các doanh nghiệp đầu tư tài chính, nhưng vẫn “ngập” trong tiền mặt. Tỷ lệ nắm giữ tài sản dưới dạng tiền và tiền gửi ở mức cao với giá trị tuyệt đối lớn phản ánh thiếu các ý tưởng đầu tư phát triển của các tập đoàn, tổng công ty này.

Trên đây chỉ là hai trong nhiều ví dụ được nêu ra trong nghiên cứu “Thực trạng phát triển kinh tế nhà nước ở Việt Nam sau gần 40 năm Đổi mới” của Viện Kinh tế Việt Nam do Hội đồng Lý luận Trung ương đặt hàng nhằm phục vụ cho công tác hoạch định chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn tới đây.

Tình trạng trên phản ánh các DNNN, đặc biệt là nhiều doanh nghiệp lớn, đang thiếu các dự án đầu tư và có rất ít dự án, công trình có quy mô lớn được khởi công. Điều này thể hiện thiếu ý tưởng đầu tư, mặc dù sẵn có nguồn lực.

W-tai chinh 3245.jpg
Tỷ trọng của DNNN trong ngành tài chính, ngân hàng cơ bản vẫn duy trì vị trí thống lĩnh thị trường. Ảnh: Hoàng Hà

Nhóm nghiên cứu cho biết, cả số lượng và tỷ trọng của DNNN trong tất cả các doanh nghiệp đã giảm đáng kể trong thập kỷ qua từ 3.241 (1,13%) vào năm 2010 xuống 1.942 (0,28%) vào năm 2020. Trong cùng kỳ, tỷ trọng doanh thu của DNNN trong tất cả doanh nghiệp giảm từ 28,2% xuống 12,2%; lợi nhuận trước thuế từ 32,3% xuống 23,2%; tỷ lệ nộp ngân sách Nhà nước từ 45,4% giảm xuống 26,9%.

Mặc dù một số chỉ tiêu có xu hướng giảm, khu vực Nhà nước vẫn có đóng góp đáng kể vào nền kinh tế quốc dân so với doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Theo Tổng cục Thống kê năm 2021, DNNN chiếm 22,8% nguồn vốn cả nước, tạo ra khoảng 30% GDP của quốc gia. Trong giai đoạn 2016-2020, khu vực DNNN vẫn thu hút được nguồn vốn sản xuất kinh doanh đáng kể, chiếm khoảng 1/4 tổng nguồn vốn thu hút được của tất cả các doanh nghiệp.

PGS.TS Trần Kim Chung, Thư ký khoa học, Hội đồng lý luận Trung ương tính toán thêm, các DNNN góp gần 30% tăng trưởng kinh tế, 1/3 đầu tư toàn xã hội; trực tiếp nắm giữ tỷ trọng đa số hoặc có vị trí chi phối một số ngành, lĩnh vực nền tảng của nền kinh tế.

Đặc biệt, các DNNN có vai trò to lớn trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Các nhà máy điện thuộc các tập đoàn EVN, PVN, TKV chiếm khoảng 87% trong cơ cấu nguồn đặt. Cụ thể, EVN GENCO 1 chiếm 25%, EVN GENCO 2 chiếm 17%, EVN GENCO 3 chiếm 24%, TKV chiếm 11%, PV Power chiếm 10%, các nhà máy khác thuộc các thành phần kinh tế chiếm 13%.

Bên cạnh đó, trong ngành xăng dầu, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam Petrolimex chiếm khoảng 50% thị phần bán lẻ trong nước; các doanh nghiệp thuộc các tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước như Pvoil chiếm 22.5% thị phần, Saigon Petro chiếm 6%, Tổng công ty Thalexim chiếm 6%, xăng dầu quân đội Mipec chiếm 6%, các doanh nghiệp khác chỉ chiếm 15%.

Tỷ trọng của DNNN trong ngành tài chính, ngân hàng cơ bản vẫn duy trì vị trí thống lĩnh thị trường. Các ngân hàng thương mại Nhà nước chiếm 44% tài sản, 25% vốn điều lệ, 48% thị phần huy động vốn, 50% thị phần cho vay của hệ thống tổ chức tín dụng.

Về sản xuất công nghiệp, doanh nghiệp nhà nước sản xuất 97% lượng than sạch, trực tiếp khai thác hoặc là đối tác liên doanh sản xuất 100% dầu thô khai thác trên lãnh thổ, sản xuất trên 86% lượng điện phát vào mạng lưới. Tuy nhiên, tỷ trọng sản xuất một số các mặt hàng công nghiệp quan trọng khác đã giảm mạnh như xi măng còn 40% sản lượng, chưa đến 15% sản lượng thép, khoảng 50% sản lượng phân NPK.

Đặc biệt, DNNN giữ vai trò chi phối ngành viễn thông, thông tin, liên lạc. Viettel chiếm 51.5%, VNPT chiếm 28.4%, Mobifone chiếm 12.7%, FPT Telecom chiếm 3.8% và 3.6% còn lại là các doanh nghiệp nhỏ khác.

Đưa ra những số liệu trên, ông Kim Chung nhận xét, hiệu quả vốn đầu tư Nhà nước thấp hơn hiệu quả đầu tư bình quân chung của nền kinh tế và thấp hơn rõ rệt so với khu vực ngoài Nhà nước và khu vực FDI, thậm chí giảm trong giai đoạn 2011-2022.

Hiệu quả đầu tư giảm là một trong những nguyên nhân làm giảm đóng góp của kinh tế nhà nước vào tăng trưởng GDP.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011-2020 của cả nước đạt 6,35%/năm, kinh tế Nhà nước chỉ đạt 4,45%, trong khi kinh tế ngoài nhà nước là 6,63%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là 9,44%.

Trong tiến trình phát triển giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2045, ông Kim Chung đặt vấn đề: cùng với việc hoàn thiện lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, vấn đề lý luận về vai trò chủ đạo của khu vực kinh tế Nhà nước có được hoàn thiện hay không?

Hai là, quản trị Nhà nước sẽ tiến hành như thế nào để đảm bảo tính chủ đạo của kinh tế Nhà nước trong bối cảnh tới đây khi thế giới ngày càng phẳng dưới tác động của cơ chế thị trường?

Ba là, kinh tế Nhà nước sẽ chủ đạo nền kinh tế như thế nào trong tương tác với các thành phần kinh tế khác như kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài?

Bốn là, tỷ trọng khu vực kinh tế Nhà nước ngày càng giảm đi không đơn giản do khu vực kinh tế Nhà nước suy giảm mà chủ yếu là do các thành phần khác lớn mạnh.

Năm là, làm thế nào vừa đảm bảo tính chủ đạo của kinh tế Nhà nước, vừa hài hòa với các Hiệp định hội nhập kinh tế thế hệ mới với các nước trên thế giới và khu vực?

Doanh nghiệp không muốn nhận hỗ trợ của Nhà nước vì sợ rủi roÁch tắc hành chính rất phổ biến với doanh nghiệp. Thủ tục hiện nay thường kéo dài gấp 3 lần so với thời gian trước. Một dự án đầu tư trong khu công nghiệp trước đây mất khoảng 23-24 tuần để hoàn tất thủ tục thì bây giờ gấp 3-4 lần như thế mới xong.