Khi độc quyền mua chọi với độc quyền bán,  chúng ta hoàn toàn có thể ép giá xuống mức hợp lý hơn.

Hễ vào mùa giải bóng đá ngoại hạng Anh thì câu chuyện bản quyền lại rộ lên.  Đầu tháng 11/2015, Công ty The Premier League bắt đầu đấu giá bản quyền truyền hình bóng đá Anh tại Việt Nam cho 3 mùa giải 2016 - 2019.

Chưa có số tiền chính thức được công bố nhưng thông tin từ các nguồn tư vấn cũng như tham gia đấu thầu cho biết, gói bản quyền cho 3 mùa tới tại Việt Nam giá có thể gấp 2 lần so với 3 mùa 2013-2016 vừa qua, lên tới khoảng 80 triệu USD.

{keywords}{keywords}
Ảnh: Vnexpress

Khi chỉ có một người bán thì xảy ra độc quyền bán (monopoly), khi chỉ có một người mua thì xảy ra độc quyền mua (monosony). Theo nguyên lý chung thì để tối đa hóa lợi nhuận, bên độc quyền bán chắc chắn sẽ đẩy giá lên, và bên độc quyền mua nhất định sẽ ép giá xuống. Vì vậy, việc tăng giá của Premier League trong mấy năm qua là hoàn toàn trong dự báo.   

Điều lý thú là cũng trong đầu tháng 11 này, EU đang xem xét phạt Google về lạm dụng vị thế độc quyền. Mức phạt có thể lên đến 6.6 tỉ Euro, mặc dù dịch vụ tìm kiếm của Google là dịch vụ miễn phí.

Đối với hàng hóa và dịch vụ thông thường, khi nâng giá lên thì nhu cầu tiêu dùng sẽ giảm xuống. Vì thế bên độc quyền sẽ nâng giá cho đến khi đạt lợi ích tối đa. Nếu nâng giá quá cao, lượng mua giảm xuống còn quá ít thì chính bên độc quyền cũng thiệt hại. Đối với bản quyền bóng đá, người bán cũng phải lo ngại nếu nâng quá cao thì không có người mua nữa. Tuy nhiên, hiện tượng các đài ở Việt Nam vẫn hăng hái lao vào mua thì chứng tỏ lo ngại trên chưa thành hiện thực, ít nhất là trong ngắn hạn.

Các doanh nghiệp không đáng bị chỉ trích, vì các doanh nghiệp bị dồn vào thế phải cạnh tranh để có dịch vụ cung cấp cho khách hàng. Bên nào không có thì sẽ thiệt hại, không chỉ về thương hiệu, về doanh số quảng cáo, mà còn cả về thị phần trong dài hạn (một số khách hàng sẽ bỏ thuê bao bên này để chuyển sang thuê bao bên kia, một khi họ đã đi thì sẽ rất khó khăn để họ quay lại).

Nếu đơn vị bán là một doanh nghiệp tại Việt Nam, Cục Quản lý Cạnh tranh hoàn toàn có thể xử lý. Nếu là đơn vị nước ngoài và không hiện diện tại Việt Nam, luật Việt Nam không can thiệp được. Tuy nhiên, Bộ Thông tin – Truyền thông mới đây đã có một yêu cầu hết sức đúng đắn là lập ra Ban đàm phán để tạo thành thế độc quyền mua. Như vậy là độc quyền mua chọi với độc quyền bán, và chúng ta hoàn toàn có thể ép giá xuống mức hợp lý hơn.

Có lẽ, những phản ứng như vậy của cơ quan quản lý cần phải sớm hơn và mạnh hơn. Điều này đặc biệt cần trong bối cảnh ngành truyền hình vẫn do Nhà nước quản lý, và hầu hết các cơ quan truyền hình đã và đang được đầu tư bằng ngân sách. Chính người dân đã góp tiền cho ngân sách để đầu tư cho truyền hình (dù là một phần hay toàn bộ), thì quản lý nhà nước phải bảo vệ quyền lợi của những người đã góp tiền.

Câu chuyện phản ứng sớm hơn, từ những năm trước, thì hôm nay có lẽ không cần nói nhiều. Câu chuyện phản ứng mạnh hơn thì rất cần nói ngay, để tránh việc một quyết định đúng đắn của Bộ TT-TT có thể chỉ được thực hiện nửa với, hoặc bên nào đó viện một lý do nào đó làm cho quyết định này vô hiệu.

Bên cạnh đó, rất cần thiết sự lên tiếng của truyền thông, báo chí để thấy người dân có quyền cất tiếng nói trong việc này, và nêu rõ trách nhiệm của cơ quan nào không xử lý được hiện tượng này. Đây là hiện tượng kinh tế, hoàn toàn có thể xử lý bằng giải pháp kinh tế, không cần kỳ vọng giải quyết bằng các yếu tố như tinh thần đoàn kết, ý thức tự giác, ý thức cộng đồng…

Ở các nước khác, ngay cả khi truyền hình không đầu tư bằng ngân sách, thì người ta vẫn xử lý rất tốt thông qua cơ chế hiệp hội.

Ở Việt Nam, hiệp hội của mình có lẽ chưa đủ mạnh để xử lý những vụ việc này. Điều này sắp tới sẽ thay đổi, đặc biệt trong bối cảnh gia nhập các hiệp định như TPP.

Bùi Văn