Sáng 29/11, tại cuộc họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, việc chưa thông qua Luật Đất đai và Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi thể hiện sự cẩn trọng, trách nhiệm vì trong quá trình thảo luận cần xem xét kỹ lưỡng nhất là đánh giá tác động chính sách.

Dẫn lại việc Bộ luật Hình sự tại Quốc hội khóa XIV đã phải sửa, ông Cường cho rằng nếu không đánh giá tác động thì sửa luật rất khó. Do đó, việc chưa thông qua thể hiện sự cẩn trọng, kỹ lưỡng làm sao luật ban hành đáp ứng yêu cầu cuộc sống, không xung đột, chồng chéo.

Tổng Thư ký khẳng định việc lùi thời điểm là thích hợp, các cơ quan đang báo cáo cấp có thẩm quyền để có thể có thêm kỳ họp bất thường vào đầu tháng 1/2024.

Bùi Văn Cường.jpg
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại họp báo.

"Rất cần Quốc hội đồng hành Chính phủ cho ý kiến quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Chính phủ đề xuất những vấn đề cần thiết, Quốc hội thấy cần thiết thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thì Quốc hội sẽ xem xét quyết định. Hiện đang báo cáo cấp có thẩm quyền và xem xét quyết định sau", ông Cường nhấn mạnh.

Trao đổi thêm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến thông tin, tới thời điểm này, dự thảo Luật Đất đai vẫn còn một nội dung lớn cần tiếp tục nghiên cứu, thiết kế phương án tối ưu.

Các phương án cần tiếp tục nghiên cứu, gồm: Thực hiện nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở kinh doanh thương mại dịch vụ; mối quan hệ giữa các trường hợp thu hồi đất và thỏa thuận quyền sử dụng thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội mà không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước; quản lý khai thác quỹ đất; trường hợp áp dụng phương pháp định giá đất cũng như sử dụng đất quốc phòng an ninh kết hợp kinh tế; trường hợp tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án bất động sản.

Phạm Thị Hồng Yến.jpg
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến nói về Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi

Về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), theo bà Yến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến 3 lần, nhưng vẫn còn 3 vấn đề có ý kiến khác nhau là: Can thiệp sớm; kiểm soát đặc biệt, cho vay đặc biệt các tổ chức tín dụng.

“Đây là các vấn đề hết sức trọng yếu, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng nói riêng và an toàn tài chính quốc gia nói chung, liên quan việc sử dụng nguồn lực Nhà nước”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.

Quốc hội đồng ý giảm 2% thuế VAT đến giữa năm 2024

Quốc hội đồng ý giảm 2% thuế VAT đến giữa năm 2024

Quốc hội đồng ý kéo dài thời gian giảm 2% thuế VAT đến giữa năm 2024. Việc giảm thuế này không áp dụng cho các lĩnh vực, dịch vụ chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, hóa chất và hàng hoá chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.