LTS: Việc đẩy mạnh thu phí không dừng (ETC) đối với phương tiện giao thông đường bộ là chủ trương đúng đắn của Chính phủ, giúp tiết kiệm thời gian, nhân lực, giảm thiểu ùn tắc giao thông và minh bạch nguồn thu.

Tuy vậy, trong thời gian qua, nhiều bất cập trong vận hành thu phí không dừng cũng được các doanh nghiệp và lái xe phản ánh, cho thấy dịch vụ trên cần được các đơn vị liên tục khắc phục để hoàn thiện theo hướng tiện lợi hơn cho người dân.

Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn và thuận lợi khi di chuyển qua trạm thu phí tự động, lái xe cũng cần tuân thủ một số quy tắc được khuyến cáo cũng như thay đổi thói quen sử dụng các loại thẻ không dừng cho phù hợp để tránh khỏi những rủi ro không đáng có xảy đến với mình.

Thói quen đi qua trạm thu phí không dừng ETC của một số lái xe cần phải thay đổi. (Ảnh minh hoạ)

Dưới đây là chia sẻ của độc giả Dương Văn Hưng (44 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội) vừa gửi cho VietNamNet nhằm bày tỏ góc nhìn về vấn đề trên:

Tôi là người sử dụng dịch vụ thu phí không dừng từ khá sớm và sau gần 2 năm sử dụng, tôi may mắn chưa gặp phải bất cứ vấn đề gì khi đi qua các trạm thu phí. 

Gần đây, nhiều lái xe "kêu" hệ thống đọc thẻ thu phí không dừng ở các trạm thu phí rất hay có vấn đề như không trừ tiền hoặc trừ tiền 2 lần, không đọc được thẻ eTag hoặc ePass dán trên xe khiến barie không mở, thậm chí nhiều ô tô bị barie bất ngờ sập xuống vỡ cả kính,...

Rất chia sẻ với các chủ xe về những thiệt hại cả về vật chất và thời gian như trên. Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận trên thực tế là một số lái xe không hiểu vội gì mà vẫn đi "phăm phăm", gần như không giảm tốc độ khi qua trạm. Đồng ý là với tên gọi "thu phí không dừng", nhưng không có nghĩa là lái xe được chạy với tốc độ quá cao, rất dễ gặp rủi ro cho chính mình và phương tiện khác.

(Barie ở trạm thu phí bất ngờ sập ngay trước mũi xe khiến tài xế không phản ứng kịp. Nguồn video: Việt An)

Tôi cho rằng bản chất của thẻ tự động là thu tiền thay con người, tức là máy móc sẽ thu đúng, thu đủ, sau đó mới là thu nhanh. Khi xe bắt đầu đi vào trạm, "mắt thần" sẽ đọc thẻ và xử lý các thông tin như loại xe gì, xe này đi từ đâu, hết bao nhiêu tiền rồi trừ tiền trong tài khoản (nếu đủ tiền) và mở barie cho xe qua.

Máy móc luôn xử lý thông tin rất nhanh nhưng đã là máy móc thì luôn có một xác suất sai số nhất định dù rất nhỏ. Những lỗi này đến từ nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Ví dụ như nếu qua trạm thu phí, lái xe bám quá gần xe phía trước khiến hệ thống mắt đọc không kịp nhận diện, vị trí dán thẻ eTag/ePass không chuẩn hoặc các nguyên nhân từ thời tiết, bụi bẩn cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình đọc dữ liệu. 

Tôi nghĩ rằng, trước khi đổ lỗi cho máy móc, các lái xe hãy tự trang bị cho mình thói quen để loại trừ những rủi ro trên. Dễ nhất chính là giữ khoảng cách vừa đủ với xe trước, tức là đợi xe trước đi qua hẳn đầu đọc thẻ thì xe tiếp theo mới đi lên, đồng thời quan sát đèn tín hiệu tại trạm (đèn xanh và bảng điện tử hiển thị biển số xe mình). 

Đặc biệt là chúng ta chẳng vội gì phải đi nhanh qua trạm, vừa dễ gặp rủi ro, mất thời gian trong trường hợp máy chưa đọc kịp và phải lùi lại. Đi chậm sẽ giúp chúng ta dễ dàng xử lý (phanh) nếu chẳng may bị barie bất ngờ sập xuống.

Các đơn vị vận hành trạm thu phí không dừng luôn khuyến cáo khách hàng nên đi với tốc độ dưới 30 km/h qua trạm. Tôi nghĩ  rằng, kể cả lái xe có đi 10-20 km/h nhưng nếu tuần tự, trôi chảy thì vẫn tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều so với thu phí bằng tiền mặt như trước đây.

Độc giả Dương Văn Hưng

Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!