Qua 1 đêm, tăng 1 triệu đồng/lượng

Giá vàng hôm nay 3/7 trên thị trường trong nước bất ngờ tăng vọt thêm hơn 1 triệu đồng/lượng ngay đầu giờ sáng sau khi giá thế giới tăng vọt lên trên ngưỡng 1.430 USD/ounce do giới đầu tư ồ ạt mua vàng bắt đáy thay vì các loại tài sản rủi ro với lo ngại căng thẳng địa chính trị lên cao và triển vọng không mấy sáng sủa từ thương mại Mỹ-Trung cũng như Mỹ-châu Âu.

Chỉ qua một đêm, giá vàng trong nước ở hầu hết các doanh nghiệp vàng lớn tại Hà Nội và TP.HCM đều đồng loạt tăng thêm khoảng 1 triệu đồng/lượng.

Mở cửa lúc 8h30 sáng 3/7, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 39,20 triệu đồng/lượng (mua vào) và 39,70 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 970 ngàn đồng chiều mua vào và tăng 1,05 triệu đồng bán ra so với cuối phiên liền trước.

Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 39,05 triệu đồng/lượng (mua vào) và 39,47 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 800 ngàn đồng chiều mua vào và tăng 1 triệu đồng bán ra so với cuối giờ ngày 2/7.

Giá vàng trang sức thậm chí còn lên sát ngưỡng 40 triệu đồng/lượng.

Sở dĩ vàng trong nước tăng giá là bởi giá vàng thế giới đầu giờ sáng 3/7 tăng vọt lên ngưỡng 1.434,2 USD/ounc, phá vỡ mức đỉnh của 6 năm là 1.431 USD thiết lập hôm 25/6 vừa qua. Giá vàng hiện tăng 10% (130,5 USD) so với đầu năm. 

{keywords}
Giá vàng miếng và trang sức tăng mạnh theo thế giới.

Giá vàng tăng trong bối cảnh ngân hàng trung ương các nước tiếp tục đẩy mạnh mua vào trong thời gian vừa qua và các tổ chức lớn cũng mua gom vàng. Quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust cho biết lượng vàng do quỹ này nắm giữ đã tăng 0,78% lên 800,20 tấn tính đến ngày 1/7.

Vàng tăng giá trong bối cảnh vai trò trú ẩn an toàn của giá vàng tăng lên khi những nỗi lo về khả năng tăng trưởng toàn cầu đi xuống đang lớn dần cùng với việc đồng USD suy yếu trong phiên đêm qua.

Giới đầu tư thoái lui khỏi các loại tài sản rủi ro cao do triển vọng kinh tế kém tươi sáng, căng thẳng tại Iran lên cao và tranh chấp thương mại Mỹ-châu Âu.

Căng thẳng thương mại trên thế giới chuyển hướng từ đối đầu Mỹ-Trung Quốc sang Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sau khi Mỹ Mỹ đã đề xuất mức thuế quan trị giá 4 tỷ USD nhằm vào một loạt sản phẩm của EU với cáo buộc EU trợ cấp cho nhà sản xuất máy bay Airbus.

Đây là danh mục các loại hàng được Mỹ bổ sung sau khi công bố lượng hàng hóa trị giá 21 tỷ USD của châu Âu phải chịu thuế. Các mục tiêu áp thuế mới nhất sẽ được xác định sau phiên điều trần được tổ chức vào ngày 05/08/2019 tới.

Mỹ trước đó ước tính các khoản trợ cấp của EU cho Airbus gây ra thiệt hại kinh tế khoảng 11 tỷ USD cho Mỹ mỗi năm. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã phát hiện ra các khoản trợ cấp của EU vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế.

Vào chu kỳ tăng mới, vàng đe dọa mốc 50 triệu đồng/lượng

Theo Bloomberg Intelligence, giá vàng có dấu hiệu sẵn sàng bắt đầu một đợt tăng mới sau 5 năm bị “nhốt trong lồng” và có thể trở lại đỉnh cao 1.700 USD/ounce (gần 50 triệu đồng/lượng) ghi nhận trong năm 2013.

Theo đó, vàng có nhiều yếu tố hỗ trợ mạnh cho việc tăng giá, bao gồm sự bất định trong quan hệ thương mại Mỹ Trung, kỳ vọng về việc Mỹ cắt giảm lãi suất và sự gia tăng bất ổn trên các thị trường chứng khoán thế giới.

Theo Kitco, việc giá vàng phá vỡ ngưỡng 1.400 USD và tăng lên mức cao nhất trong vòng 6 năm qua đã châm thêm lửa cho một đợt tăng giá mới của mặt hàng kim loại quý này. Những tín hiệu ban đầu cho thấy có nét giống với đợt vàng tăng giá lên đỉnh 1.700 USD hồi năm 2013.

Đây cũng là lý do khiến nhiều chuyên gia tin tưởng giá vàng sẽ có mức cao hơn nhiều trong nửa cuối 2019. Một đồng USD yếu hơn theo như kỳ vọng của tổng thống Mỹ Donald Trump và khả năng cắt giảm lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp thêm động lực cho một đợt tăng giá của vàng. 

{keywords}
Ông Donald Trump muốn một đồng USD yếu.

Một thông tin mới nhất trên AP cho biết, ông Trump vừa bổ nhiệm Christopher Waller, Judy Shelton vào Hội đồng Thống đốc Fed. Shelton là người luôn chỉ trích Fed và ủng hộ việc cắt giảm lãi suất giống như quan điểm của ông Trump.

Sau thỏa thuận đình chiến với Trung Quốc bên lề G20 tại Nhật Bản, ông Trump cho biết Fed đã “không giúp đỡ chúng tôi một cái gì cả” trong cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh. Ông Trump cũng khẳng định mục tiêu số 1 của nền kinh tế nước Mỹ.

Trong cuộc họp gần nhất, Fed vẫn giữ lãi suất ở mức 2,25%-2,5%, vốn được ông Trump cho là làm chậm tăng trưởng kinh tế và kéo giảm thị trường chứng khoán.

Một khi Fed giảm lãi suất, đông USD sẽ giảm giá và qua đó kéo giá vàng đi lên.

Gần đây, hàng loạt ngân hàng trung ương các nước đã giảm lãi suất để thúc đẩy kinh tế. Hôm 2/7, NHTW Australia đã hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục 1% và cho biết sẽ tiếp tục giảm lãi suất nếu tỷ lệ thất nghiệp không có gì cải thiện.

Trong khi ông Trump chơi bài ngửa, muốn kéo giảm lãi suất để giảm ảnh hưởng của một đồng Nhân dân tệ yếu, thì các nước trên thế giới đồng loạt có những động thái chuẩn bị cho một cuộc chiến mới có thể nhấn chìm các thị trường tài chính.

NHWT Philippines, New Zealand, Malaysia… đều đã có động thái hạ lãi suất.

Sau một phiên hưng phấn sau kết quả Mỹ-Trung tại G20, các TTCK đang chùng lại. Nhiều cảnh báo cho biết, thỏa thuận ngừng bắn chiến tranh thương mại chỉ là tạm thời. Các nhà đầu tư nhận ra rằng sẽ phải mất nhiều tháng đàm phán khó khăn để đạt được một thỏa thuận thương mại trong khi rủi ro về thuế quan vẫn luôn hiện hữu.

Trên thực tế, thỏa thuận giữa ông Donald Trump và Tập Cận Bình mới chỉ mang tính chất hòa hoãn tạm thời, chưa có bước đột phá nào lớn trong mối quan hệ Mỹ - Trung. Nền kinh tế Mỹ vẫn còn khỏe mạnh và lợi thế do vậy chưa đến mức ông Trump phải chấp nhận các thỏa hiệp không có lợi.

Tất cả đây đều là những yếu tố có tác động tích cực lên vàng.

Vàng tăng giá còn do căng thẳng tại Trung Đông leo thang sau khi Iran tuyên bố đã làm giàu uranium trên 300kg và tới ngày 7/7 tới sẽ làm giàu uranium ở mức 3,7% nếu Mỹ không nới lỏng các lệnh trừng phạt. Trên mức này có thể phục vụ mục tiêu sản xuất vũ khí hạt nhật.

Phía Mỹ ngay lập tức cho biết sẽ không nhượng bộ và áp dụng trừng phạt tối đa.

Vàng tăng giá còn do giới đầu tư lo ngại tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại. Một số thống kê cho thấy, hoạt động chế tạo đã thu hẹp tại hầu hết các nước châu Âu và châu Á. Hoạt động chế tạo tại Mỹ trong tháng 6 tăng chậm lại, xuống gần mức thấp của ba năm.

V. Minh