Tại hội thảo Doanh nghiệp góp ý về Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Dự thảo Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi) ngày 12/5, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cho biết, Điều 57 quy định trong Dự thảo: “Các giao dịch bất động sản phải thực hiện thông qua sàn giao dịch bất động sản theo quy định của Luật này” trong khi Điều 60 quy định sàn giao dịch bất động sản chỉ cần có “cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng yêu cầu, có năng lực về tài chính”.

"Quy định như vậy có cứng nhắc quá không?", ông Hiệp đặt câu hỏi. 

Theo ông Hiệp, hiện nhiều chủ đầu tư là các công ty đầu tư bất động sản đều sử dụng linh hoạt việc phối hợp giữa lực lượng bán hàng trực tiếp của chủ đầu tư và một số sàn.

"Từ thực tế thì khối lượng hàng bán được của bộ phận bán hàng của chủ đầu tư luôn lớn hơn lượng hàng do các sàn giao dịch bên ngoài bán được. Chi phí hoa hồng cho các sàn bên ngoài luôn ở mức gấp 2 lần phí hoa hồng cho bộ phận của chủ đầu tư tự bán. Đây là một thực tế mà Ban Soạn thảo cần cân nhắc về việc có nên đưa ra thêm một nấc trung gian, trong khi chúng ta đang cố gắng giảm bớt các thủ tục trung gian để giảm chi phí cho doanh nghiệp", ông Hiệp bày tỏ.

Ông Hiệp đề xuất sửa lại Điều 57: “Các giao dịch bất động sản phải công khai minh bạch qua các sàn giao dịch do các chủ đầu tư tự tổ chức hoặc qua các sàn giao dịch trung gian (nếu các chủ đầu tư tư không tự tổ chức được). 

Về tiêu chí các sàn giao dịch, ông Hiệp cũng kiến nghị cần cụ thể hơn, “thế nào là có cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng yêu cầu?”, kể cả sàn giao dịch trực tiếp và điện tử.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, thay vì luật hóa hay bắt buộc thì chỉ nên khuyến khích giao dịch sản phẩm bất động sản qua sàn và có cơ chế bảo đảm quyền lợi cho người mua và người bán.

Đồng thời, đặt thêm trách nhiệm, các tiêu chuẩn hành nghề chuyên nghiệp cho đơn vị môi giới.

Toàn cảnh hội thảo góp ý ngày 12/5 (Ảnh: Hồng Khanh)

Xem xét kỹ quy định kinh doanh nhà ở, công trình có sẵn

Góp ý tại Hội thảo PGS.TS Nguyễn Thị Nga, Phó Trưởng Khoa Pháp luật kinh tế - Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, Ban soạn thảo cần xem xét kỹ lưỡng và thấu đáo quy định kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng có sẵn.

Tại khoản 1 Điều 14 Dự thảo quy định “Trường hợp cá nhân nước ngoài mua nhà ở của chủ đầu tư dự án bất động sản thì quyền sử dụng đất gắn với nhà ở thực hiện theo quy định của Luật Đất đai, Luật Nhà ở”. Mặc dù quy định này mới được bổ sung vào nguyên tắc kinh doanh nhà có sẵn, tuy nhiên chưa phù hợp, chưa đồng bộ, thống nhất với Luật Đất đai. 

Cụ thể, về nguyên tắc việc mua bán nhà ở, công trình xây dựng phải gắn với quyền sử dụng đất; tuy nhiên Luật Đất đai 2013 hay dự thảo hiện nay chưa xác định cá nhân nước ngoài có quyền sử dụng đất tại Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Thị Nga cho rằng cần phải làm rõ vấn đề này.

Về điều kiện kinh doanh nhà, công trình xây dựng có sẵn, đối với nhà, công trình xây dựng có sẵn đưa vào kinh doanh phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 15 là những điều kiện cần thiết để đảm bảo tính an toàn trong các giao dịch cần phải chỉnh sửa để phù hợp với quy định của Luật Đất đai liên quan đến hoạt động đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.