Xây dựng chuỗi cung ứng
Việt Nam là thị trường năng động với dân số hơn 90 triệu người, đa phần đang trong độ tuổi lao động do đó nhu cầu tiêu thụ thực phẩm là rất lớn. Theo Euromonitor International, tiêu thụ lương thực thực phẩm của Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng 11,4% trong giai đoạn 2014 – 2018. Tuy nhiên, một thực trạng đáng báo động là chưa bao giờ nhu cầu được sử dụng thực phẩm an toàn của người dân trên cả nước lại cấp bách như hiện nay và cũng chưa bao giờ người tiêu dùng lại mất lòng tin vào các sản phẩm nông sản của Việt Nam nhiều như vậy.
Bên cạnh đó, việc sản xuất và phân phối các sản phẩm nông nghiệp nói chung và nông sản nói riêng ở Việt Nam vẫn tồn tại những “điểm nghẽn” chưa giải quyết được trên diện rộng. Một trong những điểm yếu nhất phải kể đến là khâu cung ứng thực phẩm hiện nay vẫn chủ yếu theo mô hình truyền thống với nhiều tầng, công đoạn trung gian, khiến cho người tiêu dùng không có sự tương tác trực tiếp với người sản xuất nông nghiệp.
Bối cảnh hiện nay, khi sức ép từ nhu cầu của người tiêu dùng về thực phẩm an toàn ngày càng lớn tạo ra cơ hội phát triển chưa từng có cho các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, trong đó chuỗi cung ứng thực phẩm ngắn là một trong những phương thức cần thiết phải khuyến khích phát triển.
Theo báo cáo của công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam, dịch Covid-19 đã bộc lộ những điểm yếu trong chuỗi cung ứng của ngành nông nghiệp và chế biến thực phẩm, dẫn đến những thách thức cho doanh nghiệp trong việc ứng phó với sự gián đoạn thị trường trong bối cảnh đại dịch.
Tuy nhiên, đại dịch cũng đã mang lại nhiều cơ hội. Ngành nông nghiệp và chế biến thực phẩm có tiềm năng lớn khi tận dụng và chế biến các sản phẩm nông nghiệp địa phương, tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp địa phương vào chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu, đồng thời thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp FDI để phát triển ngành.
Nhiều giải pháp
Trong trung hạn, theo khuyến nghị của đơn vị tư vấn Ernst & Young Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần nâng cao các tiêu chuẩn và áp dụng truy xuất nguồn gốc, tăng cường nghiên cứu và phát triển các giống cây trồng, vật nuôi, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp.
Đồng thời, Chính phủ cần có một chiến dịch truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân về giá trị nông sản Việt, từ đó dần xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam trong nước và quốc tế.Trong ngắn hạn, trước mắt cần cải tiến trong công đoạn sơ chế, bảo quản (đặc biệt là kho lạnh) và phân phối thông qua thiết lập các Trung tâm dịch vụ chia sẻ (CFC) và tạo các điểm kết nối mua bán (B2B).
Đây là giải pháp cần thiết để ứng phó với sự gián đoạn thị trường nông sản trong bối cảnh đại dịch, hỗ trợ nông sản kéo dài thời gian bảo quản và hạn chế đứt gãy trong kênh phân phối.
Xây dựng chuỗi cung ứng hàng hoá |
Trong dài hạn, các kho hàng không, hệ thống thương mại điện tử chuyên dụng cho nông nghiệp cần được thiết lập. Các doanh nghiệp lớn của Việt Nam cần tham gia giai đoạn này để có thể dẫn dắt chuỗi cung ứng nông sản.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh việc nghiên cứu xây dựng các giải pháp chính sách phục hồi các ngành trong bối cảnh đại dịch là vấn đề nóng hiện nay, gắn liền với chương trình phục hồi tổng thể nền kinh tế. Bộ trưởng lưu ý dự án cần bao phủ rộng hơn các ngành, lĩnh vực và lồng ghép với việc tái cơ cấu các ngành trong trung và dài hạn trong mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế.
“Dự án đang đề cập đến việc đứt gãy chuỗi cung ứng và các cơ hội mới gia tăng khi nhu cầu tăng trở lại và các chuỗi cung ứng sẽ tái cơ cấu phát triển mạnh mẽ trở lại sau đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, đây chỉ là vấn đề ngắn hạn trước mắt, còn về lâu dài các ngành kinh tế của Việt Nam cũng phải cơ cấu lại hết. Việc gắn kết chiến lược này như thế nào trong tái cơ cấu tổng thể lại các ngành trong trung và dài hạn là vấn đề rất quan trọng.
Do đó, bên cạnh mục tiêu trong ngắn hạn là chống sự đứt gãy chuỗi cung ứng và tranh thủ cơ hội mới gia tăng hậu đại dịch, dự án cần hướng tới chiến lược trung và dài hạn tái cơ cấu các ngành theo hướng phát triển bền vững. Đó là mục tiêu cần hướng tới để tăng giá trị dự án chiến lược này.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh hướng tới phát triển kinh tế bền vững dài hạn, do đó, việc khuyến nghị xây dựng các chính sách hỗ trợ và giải pháp của Chính phủ đối với các ngành trong dự án cần bám sát chiến lược phát triển bền vững.
Bài và ảnh: Phùng Thủy