Theo TASS, trong ngày 27/10, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã kêu gọi Nga và Ukraine lập từng ngừng bắn để mở đường cho các cuộc đối thoại hòa bình. "Tôi tin rằng có đủ người sáng suốt ở Ukraine. Các bên liên quan cần ngồi xuống và bắt đầu đàm phán. Như tôi đã nói trước đó, các điều kiện có thể được thỏa thuận, điều quan trọng nhất là phải ngừng bắn", ông Lukashenko nói.

Cũng theo Tổng thống Belarus, Mỹ dường như cũng đang muốn thúc đẩy các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột Ukraine. "Viện trợ của Washington dành cho Kiev không phải vô hạn", ông Lukashenko nhận định. Ông nhấn mạnh, Ukraine cần nhận ra rằng họ sắp không còn đủ nguồn nhân lực để vận hành các loại vũ khí được phương Tây cung cấp.

1346083tas.jpg
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Ảnh: TASS

Giao tranh liên tiếp tại Avdiivka

Theo Pravda, trong ngày 28/10, truyền thông Nga đã thông tin về việc quân đội nước này bao vây một nhà máy luyện cốc ở đông Avdiivka. Đồng thời, lực lượng Nga từ phía nam cũng có những bước tiến mới, khiến Ukraine buộc phải cố thủ trong thành phố chiến lược này.

Trong khi đó, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết, quân đội nước này đã đẩy lùi nhiều cuộc tập kích của Nga ở gần Avdiivka trong vòng 24 giờ qua.

advikaa wp.jpg
Binh lính Ukraine tại Avdiivka. Ảnh: WP

Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umierov đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin. Ông Umierov nói rằng Nga đã tổn thất khoảng 4.000 quân trong các cuộc giao tranh ở Avdiivka.

Đồng minh nghi ngờ khả năng hỗ trợ Israel và Ukraine cùng lúc của Mỹ

Theo Bloomberg, một số đồng minh của Mỹ đang bày tỏ sự quan ngại về khả năng hỗ trợ cùng lúc hai cuộc xung đột của Washington. Hiện tại, các nhà sản xuất vũ khí của Mỹ đang phải làm việc hết công suất để đáp ứng các đơn đặt hàng liên quan tới Ukraine và Israel.

"Tại vài nước châu Âu và châu Á, các quan chức đang lo lắng về việc một số đối tác sẽ bị tụt lại phía sau. Các thách thức ngày càng tăng đang làm suy giảm đáng kể khả năng phản ứng của Mỹ", nguồn tin của Bloomberg cho biết.

Đức gửi thêm hệ thống phòng không cho Ukraine

Theo Pravda, trong ngày 27/10, Bộ Quốc phòng Đức đã thông báo về việc chuyển giao hệ thống phòng không IRIS-T SLM, tên lửa IRIS-T SLS, 5.000 quả đạn pháo 155mm và nhiều thiết bị khác trong đợt viện trợ mới nhất dành cho Ukraine.

Bên cạnh tổ hợp phòng không, lô viện trợ mới cũng bao gồm 4 xe bọc thép chở quân, 8 máy bay không người lái trinh sát VECTOR, radar phòng không, TRML-4D, 4 radar mặt đất, 5 xuồng không người lái và 6 phương tiện biên phòng.