Với 386/473 Đại biểu Quốc hội tán thành (chiếm 77,82%), Quốc hội chiều 9/1 đã thông qua luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo luật, Quốc hội đã biểu quyết riêng thông qua 3 điều, gồm điều 25 về Hội đồng Y khoa quốc gia; điều 104 về cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh và điều 110 về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Liên quan tới giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) quy định cụ thể các yếu tố, chi phí cấu thành cũng như nguyên tắc và căn cứ định giá dịch vụ khám chữa bệnh. Bộ trưởng Y tế chủ trì, phối hợp Bộ trưởng Bộ Tài chính trong việc quy định phương pháp định giá.
Bộ trưởng Y tế sẽ quy định giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc danh mục do Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán; giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do ngân sách nhà nước thanh toán; giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc danh mục do Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán mà không phải là dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu, đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế và các bộ khác.
HĐND cấp tỉnh quy định giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn quản lý thuộc phạm vi được phân quyền nhưng không được vượt quá giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tương ứng do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.
Luật vừa được thông qua cũng quy định, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước áp dụng giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh không có thẻ bảo hiểm y tế sử dụng các dịch vụ thuộc danh mục do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả mà không phải là dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu; quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu.
Các cơ sở khám chữa bệnh phải kê khai giá, niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu. Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định và phải kê khai giá, niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Các sở khám bệnh, chữa bệnh được đầu tư theo phương thức đối tác công tư quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Về tự chủ bệnh viện, luật quy định Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tự chủ được tự chủ trong quyết định về tổ chức và nhân sự, thực hiện nhiệm vụ, phát triển các hoạt động chuyên môn, các hoạt động khác phục vụ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Luật cũng quy định cụ thể các nội dung tự chủ về tài chính của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm: Quyết định nội dung thu, mức thu của các dịch vụ, hàng hóa liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, phục vụ người bệnh, thân nhân của người bệnh theo quy định của pháp luật, trừ dịch vụ, hàng hóa do nhà nước định giá; Quyết định sử dụng nguồn thu hợp pháp để đầu tư các dự án thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật…