Lời tòa soạn

Nhận định được thực tế bất cập và những khó khăn của các bệnh viện trên cả nước, đặc biệt là các bệnh viện lớn, khi xây dựng giá đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, trong 2 ngày liên tiếp (3-4/3), Chính phủ đã ban hành hai văn bản quan trọng: Nghị định 07 và Nghị quyết 30. 

Những điểm mới trong hai văn bản này sẽ giúp tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, khó khăn tại các bệnh viện, đồng thời tạo đà để các cơ sở y tế nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. 

Để hiểu rõ hơn về ý nghĩa của hai văn bản quan trọng này, VietNamNet xin đăng tải tuyến bài "Nỗ lực tháo gỡ điểm nghẽn cho ngành y tế".

Kỳ 1: Bệnh viện "thở phào" với cải cách mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế 

Kỳ 2: Thiết bị tiền tỷ ở bệnh viện sẽ hết cảnh "đắp chiếu"

Sau 3 ngày Nghị định 07 và Nghị quyết 30 được ban hành, Tiến sĩ, bác sĩ Phan Văn Báu, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), cho rằng quy định mới đã tháo gỡ được khó khăn cho các bệnh viện khi nhiều nút thắt được "cởi trói".

Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ nhiều mối băn khoăn khác. "Liệu công ty có báo giá sát với giá nhập khẩu hay không, cách lấy báo giá như thế nào để sau này không bị quy kết về giá, giá nhập về công ty có quyền được lời bao nhiêu phần trăm?", vị giám đốc đặt vấn đề. 

Không chỉ vị lãnh đạo này, nhiều giám đốc bệnh viện khác cũng vẫn trong tâm trạng "vừa mừng vừa lo" khi quy định mới được ban hành.

Các bác sĩ đang sử dụng hệ thống ECMO (tim phổi nhân tạo) cho bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh: BVCC

Cần có cơ quan bảo vệ người làm công tác đấu thầu

Theo lãnh đạo một bệnh viện tuyến Trung ương ở Hà Nội, vẫn còn những tình huống gây e ngại khi các bệnh viện xây dựng giá đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế. Ví dụ, một đơn vị phân phối duy nhất báo giá cao gấp hơn 2 lần so với giá nhập khẩu (của chính sản phẩm đó) thì người mua có bị quy kết chuyện gây thiệt hại, hoặc bên phân phối có bị quy kết là "thổi giá" hay không?

Bác sĩ Báu cũng cho hay theo quy định, việc sửa chữa trang thiết bị y tế lớn và giá trị cao bị hư hỏng như máy CT, máy MRI phải có trong kế hoạch trung hạn 5 năm. Sau đó, bệnh viện phải làm báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, trình cấp có thẩm quyền thông qua HĐND TP. "Việc này có bị vướng luật hay không? Nghị quyết 30 chưa đề cập đến vấn đề này", bác sĩ Báu nói.

Bác sĩ Châu Văn Đính, Giám đốc Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Thành phố (TP.HCM), cho rằng việc sửa chữa máy móc, trang thiết bị vẫn phải theo theo Luật Đấu thầu và các thông tư, nghị định. Do đó, về lâu dài cần có sự phối hợp các bên vì phải lập báo cáo, đề xuất sửa chữa trang thiết bị y tế.

Về xác định giá trang thiết bị y tế, bác sĩ Đính cũng băn khoăn và đề xuất cần có cơ quan chủ trì định mức giá để bảo vệ người làm công tác đấu thầu. “Sau này thanh tra, kiểm toán đều xoáy vào giá nhập khẩu, rồi xác định tình trạng có mua bán lòng vòng không, bệnh viện không thể biết được”, bác sĩ Đính nói.

Đây cũng là băn khoăn và mong mỏi của lãnh đạo các bệnh viện tuyến Trung ương khi Nghị quyết 30 cho phép thí điểm xây dựng giá gói thầu. Bởi nghị quyết là chủ trương, đường hướng. Tuy nhiên, về mặt pháp luật, các bệnh viện phải căn cứ vào luật, nghị định, thông tư để thực hiện công việc. Về vấn đề này, Chính phủ đã giao Bộ Y tế phải xây dựng và ban hành hướng dẫn trong quý II/2023.

Các bệnh viện bày tỏ mong muốn Bộ Y tế cần sớm ban hành hướng dẫn rất cụ thể, công khai minh bạch về vấn đề này để các bệnh viện hoạt động trơn tru, thậm chí, phải có điều khoản bảo vệ người/đơn vị thực hiện thí điểm. 

Làm gì để giải quyết "tận gốc"?

Công khai, minh bạch trong đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế cũng là vấn đề được PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Đại biểu quốc hội TP.HCM, đề cập khi trao đổi với VietNamNet

Bà Lan đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ đã vào cuộc quyết liệt và ban hành Nghị quyết 30 với những thay đổi mang tính tích cực, rất nhiều điểm mở. Tuy nhiên, để bệnh viện thực sự yên tâm và không mang tính thí điểm, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải vào cuộc, Luật Đấu thầu sửa đổi sắp tới phải có nội dung riêng đề cấp đến trang thiết bị y tế. "Tất cả phải được luật hóa", bà nhấn mạnh.

Tình trạng thiếu vật tư, trang thiết bị y tế đã khiến rất nhiều bệnh viện gặp khó khăn trong thời gian qua. Ảnh: Thạch Thảo

Theo vị đại biểu quốc hội này, nhiều loại trang thiết bị y tế có giá trị rất cao, khả năng thất thoát khi mua sắm có thể xảy ra khi công ty và chủ thầu "bắt tay" tăng giá hoặc rút ruột, tức là vỏ hàng xịn nhưng bên trong thay bằng đồ rởm. Hệ thống tư nhân khi mua sắm trang thiết bị y tế cũng sẽ vướng nguy cơ này dù không qua đấu thầu. Tuy nhiên, họ giao trách nhiệm rất rõ ràng cho một cá nhân trong hội đồng quản trị. Nếu có sai sót, người này phải chịu trách nhiệm.

Trong khi đó, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế của hệ thống y tế công lập, cũng như nhiều ngành khác, mục tiêu là mua được sản phẩm với giá rẻ nhất. Vì thế, công khai minh bạch là yêu cầu đầu tiên.

"Chúng ta có thể thành lập một trung tâm quốc gia về việc mua sắm này, mời kiểm toán, thanh tra, công an, giám sát… cùng tham gia để đảm bảo công khai minh bạch", bà Lan đề xuất. 

Đối với Nghị định 07 thay thế cho Nghị định 98, theo bà Lan, quy định mới chủ yếu gia hạn hiệu lực số lưu hành, giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế đến 31/12/2024, tập trung vào quản lý trang thiết bị chứ không đề cập đến quy trình đấu thầu. "Trong khi đó, chúng ta vướng chuyện đấu thầu", bà Lan nhấn mạnh. 

Để giải quyết vấn đề tận gốc, vị đại biểu quốc hội này nhận định cần sự vào cuộc và trách nhiệm hơn nữa của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bởi đây là vấn đề kinh tế y tế chứ không phải chuyên môn y tế. "Một mình ngành y tế không thể đủ khả năng khi xây dựng Luật Đấu thầu, các nghị định, thông tư về mua sắm, trong khi trang thiết bị y tế, thuốc có rất nhiều đặc thù", bà Lan nói.