- Từ những khoản tiền 100 triệu đến hơn 200 triệu đầu tư cho việc sản xuất một album nhạc chất lượng, thậm chí không sử dụng các công cụ điện tử để giảm giá thành, nhưng thành quả của các nghệ sĩ như Mỹ Linh, Quốc Hưng, Phương Nga... rất dễ dàng được lấy về từ internet với chi phí chỉ tính bằng giá điện cho 1 vài phút đồng hồ download.

TIN BÀI KHÁC

Từ thực tế phũ phàng

Nạn nhân mới nhất của các website nhạc số, ca sĩ Phương Nga với album Acoustic "Ơi cuộc sống mến thương" (3.3012) mới đây đã tìm cách liên hệ với báo chí để mong nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ trước tình trạng bản quyền âm nhạc tiếp tục bị vi phạm nghiêm trọng và ngang nhiên tại Việt Nam. Có lẽ Phương Nga cũng không phải là người thường xuyên theo dõi các website nhạc số này, nếu không cô đã không tỏ ra bất ngờ và kinh ngạc đến thế khi "Ơi cuộc sống mến thương" xuất hiện trên mạng chỉ vài ngày sau khi album ra mắt.

Phương Nga cho biết, để thực hiện album, cô đã đóng vào Trung tâm Bảo vệ bản quyền âm nhạc 9 triệu đồng tiền tác quyền cho 8 ca khúc. Việc các tổ chức khác ngang nhiên "cướp quyền sở hữu số" cho sản phẩm tâm huyết của mình - đã hoàn toàn đi ngược lại với ý thức tôn trọng luật bản quyền mà bản thân cô đã thể hiện bằng hành động; khiến giảng viên trẻ của HV Âm nhạc quốc gia VN "choáng váng" và liên hệ với báo chí một cách hốt hoảng.

Phương Nga sốc khi “Ơi cuộc sống mến thương” xuất hiện miễn phí trên mạng

Phương Nga ít nhất còn may mắn hơn Mỹ Linh một chút, bởi "Tóc Ngắn Acoustic - Một Ngày" (07.2011) xuất hiện trên các website nhạc số chưa đầy 24 giờ sau khi nữ ca sĩ phát hành album. Sau 5 năm kể từ "Chat với Mozart" (2005) và "Để tình yêu hát" (2006), Mỹ Linh đã gặp một cú shock thực sự khi đứa con tinh thần đối diện với sự phổ biến của nạn ăn cắp bản quyền trên mạng hiện thời - và đương nhiên, đã bị thu phục dễ dàng trong cuộc đối đầu không cân sức.

Đến website biến tướng

Ngoài các website nhạc số có lượng truy cập lớn như Zing hay Nhaccuatui, thì Nhacso.net - website ra đời năm 2006, vốn được xem là cú nổ tiên phong trong việc bảo vệ bản quyền cho nghệ sĩ ở thời đại số - giờ cũng đã thay đổi hoàn toàn. Thay vì việc người sáng lập Phùng Tiến Công (một trong những nhân vật tiêu biểu của ngành công nghệ thông tin những năm 2000) tuyên bố sẽ xây dựng một website âm nhạc tuân thủ nghiêm công ước Berne, thì nay, mọi chuyện cũng đã thay đổi theo một phương thức khác.

Nhacso.net từng rất mạnh với slogan “Lắng nghe đất nước, kết nối năm châu”. Và Phùng Tiến Công cũng đã chia sẻ: "Dù tình huống tệ thế nào thì mỗi ngày tôi đều tự hào mình làm được 3 không: không phạm pháp; không nghiện và không "ăn xin". Xin mở ngoặc, không "ăn xin" nghĩa là tự đứng bằng hai chân của mình, không quỵ lụy ai cả".

Nhacso.net của ngày xưa; nay đã không giữ được mình và thay đổi hoàn toàn tôn chỉ, mục đích ban đầu.

Nhacso.net của ngày hôm nay đã thuộc về người tổ chức khác. Trong điều khoản được công bố mạnh miệng và đanh thép, website này đã quy toàn bộ trách nhiệm về phía người sử dụng (các account) website trong vấn đề bản quyền - dù biết chắc rằng, chẳng account nào có thể có bản quyền sử dụng các tác phẩm âm nhạc đó. Lợi ích tài nguyên thu về từ sự vi phạm bản quyền của người sử dụng đương nhiên sẽ thuộc về sở hữu của web. Đó là chưa kể việc người sở hữu web hoàn toàn có thể sử dụng một account vô thưởng vô phạt để upload dữ liệu âm nhạc.

Ca sĩ bất lực: “Tôi nghĩ chẳng làm gì được”

Phần đông các ca sĩ chấp nhận việc bị ăn cắp các tác quyền nhạc số này như một việc không tránh khỏi. Quốc Hưng - giọng bass khá có tiếng của HV Âm nhạc quốc gia với CD "Hà Nội ơi! Thầm hát" (2.2010) - đã từng rất thất vọng khi thấy album đầu tư 200 triệu đồng của mình bị ăn cắp không thương tiếc. Anh quyết định ngưng việc tái bản album này sau khi đã tiêu thụ hết trên thị trường. Quốc Hưng cũng đã gửi thư yêu cầu làm rõ vụ việc lên Trung tâm bảo vệ quyền âm nhạc, nơi anh đóng tiền tác quyền một cách đầy đủ - nhưng câu trả lời vẫn bóng chim tăm cá. Trong nỗ lực chuẩn bị phát hành album mới, anh tỏ ra nản lòng khi nghĩ đến việc đấu tranh đòi lại quyền sở hữu dù biết chắc album này sẽ lại tiếp tục được đưa lên mạng. "Tôi nghĩ chẳng làm được".

Tấn Minh - giọng ca nổi tiếng khác của Hà Nội với album "Bức thư tình thứ 5" (12.2011) chọn cách không quan tâm tới thị trường nhạc số và cắt bỏ hoàn toàn dịch vụ nhạc chờ sử dụng các ca khúc nằm trong 3 album mới nhất của mình. Tổng số lượt nghe của "Bức thư tình thứ 5" trên các website âm nhạc ước tính đang lên tới con số hàng trăm nghìn.


Mỹ Linh là một trong những người phản đối quyết liệt nhất tình trạng vi phạm bản quyền mà cô nói là đang "ngang nhiên" này. Mỹ Linh cũng đã đưa toàn bộ tác phẩm nằm trong 3 CD gần nhất của mình lên iTunes để phát hành online chính thức. Cô nói: “Tôi không hiểu nếu vẫn có những người muốn đưa nhạc của mình lên để quảng bá. Còn bản thân tôi không thích điều đó. Công sức của mình lao động trong mấy năm trời đã bị ăn cắp trắng trợn, và đương nhiên, không hề có bất cứ một thông báo nào".

Lê Cát Trọng Lý - một nghệ sĩ khác của giải Cống hiến năm nay - thì cố gắng tìm một giải pháp thương lượng cho album "Lê Cát Trọng Lý" khi phát hành hồi tháng 1/2011. Cô chia sẻ: "Lúc đầu họ cũng lấy album của tôi mà không xin phép gì hết. Sau đó tôi có gửi thư đến và nói rằng sẽ cho phép dùng sau 30 ngày. Có nơi họ cũng chờ được đúng 1 tháng, có nơi họ chỉ chờ được 1 tuần. Tôi thấy thế là cũng tử tế.

Tôi cũng không biết làm sao được, vì cái thời nó như vậy. Nhiều thứ chưa có quy chuẩn và người ta làm mọi thứ cũng tự nhiên lắm. Họ đã làm những điều đó bao nhiêu năm nay rồi, thì giờ vẫn cứ vậy thôi. Mình cũng không phải căng thẳng làm gì. Khi nào có luật mới thì mình sẽ thi hành theo luật pháp. Tôi nghĩ việc họ phát album của mình cũng là một cách chia sẻ đến với cộng đồng. Thôi thì cứ để họ làm ra sao thì làm
"

Hồ Hương Giang