1. Tài năng xuất chúng
Ninh Bạc sinh năm 1965 ở Giang Tây, là thế hệ "thần đồng đầu tiên" của Trung Quốc. 2,5 tuổi, Ninh Bạc thuộc hơn 30 bài thơ. 3 tuổi, anh đếm được 100 số và học thuộc hơn 400 ký tự chữ Trung Quốc khi lên 4.
5 tuổi anh không học mẫu giáo mà được tuyển thẳng lên học Tiểu học. 6 tuổi thần đồng Trung Quốc bốc thuốc Đông y để chữa bệnh cho mọi người.
Lên 8 tuổi, Ninh Bạc thuộc lòng chuyện Thủy hử. Anh cũng biết ngâm thơ, làm thơ khi 9 tuổi. Năm 12 tuổi, Ninh Bạc đã thắng 2 ván cờ vây với Phó Thủ tướng Phương Nghị và trở thành một hiện tượng phủ khắp các mặt báo và truyền hình Trung Quốc.
Năm 13 tuổi, Ninh Bạc được đặc cách vào "lớp học thần đồng" khóa đầu tiên của Đại học Khoa học và Công nghệ tỉnh An Huy. Đây là lớp học chỉ dành cho những nhân tài, được lựa chọn khắp Trung Quốc.
Tuy nhiên, khi vào lớp nhân tài, Ninh Bạc luôn cảm thấy áp lực. Anh vốn thích Hóa học, ghét Vật lý và Toán học nhưng vào trường này buộc phải học Vật lý. Do đó, anh mong muốn đến Nam Kinh để học thiên văn nhưng nhà trường không đồng ý. Hiệu trưởng phê vào đơn xin chuyển trường của Ninh Bạc “đã đến đây thì hãy học ở đây”.
Năm 17 tuổi, Ninh Bạc tốt nghiệp Đại học và trở thành giảng viên trẻ tuổi nhất Trung Quốc. Sau khi làm giảng viên được vài năm, Ninh Bạc bắt đầu có những biểu hiện lạ. Anh 3 lần đăng ký thi nghiên cứu sinh, nhưng cả 3 lần đều bỏ cuộc khi đặt chân đến cửa phòng thi. Tưởng chừng như tương lai sáng sẽ mở ra phía trước, tuy nhiên, mọi bi kịch bắt đầu từ đây.
2. Hôn nhân không hạnh phúc
Được sự giới thiệu của một người bạn, Ninh Bạc bén duyên với Trinh Lục Hoa – vợ cũ của anh. Cô nhiều lần gửi thư tỏ tình với Ninh Bạc. Sau này, cô trở thành người yêu và vợ của Ninh Bạc.
Theo tiết lộ của một người bạn, Ninh Bạc và vợ cũ thường xuyên xảy ra mâu thuẫn với nhau về phương pháp dạy con. Trinh Lục Hoa luôn dạy con để trở thành thiên tài, trong khi đó Ninh Bạc chỉ muốn con phát triển như một người bình thường.
Sau này, trong một cuộc phỏng vấn Trinh Lục Hoa không nói rõ nguyên nhân ly hôn của cả hai. Cô chỉ nói: “Chuyện cũ tôi không muốn nhắc lại. Nhưng tôi sẽ cố gắng làm theo điều Ninh Bạc đã dặn con chúng tôi: Hãy làm người bình thường chứ đừng làm thần đồng”.
3. Xuất gia ở tuổi 38
Chính những mâu thuẫn trong cuộc sống, cùng với áp lực công việc khiến cho Ninh Bạc quyết định xuất gia ở tuổi 38. Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn Ninh Bạc cho biết, anh cảm thấy hối hận khi đã tham gia lớp học thần đồng năm xưa. Điều này, khiến anh không thể sống như một người bình thường.
Thậm chí, Ninh Bạc còn nhấn mạnh bản thân không phải là thần đồng. Anh tự nhận mình là sản phẩm của thời đại. “Nếu tuổi trẻ có thể quay trở lại, tôi sẽ không bao giờ vào lò đào tạo nhân tài”, Ninh Bạc tiết lộ.
Quyết định đột ngột của Ninh Bạc khiến nhiều người cho rằng hai chữ "thần đồng" dù là một vầng hào quang, nhưng đồng thời cũng là chiếc còng khóa chặt sự tự do của Ninh Bạc.
Đối với Ninh Bạc, việc bước chân vào lớp học thiên tài, là chuỗi ngày không hạnh phúc, áp lực. Anh luôn cố gắng thoát khỏi “mác” thần đồng và mong được học tập như các bạn đồng trang lứa.
Sau này, Ninh Bạc dần thu mình lại, tự tách ra khỏi xã hội, đắm chìm trong việc luyện khí công và ăn chay. Ở tuổi 38, đệ nhất thần đồng Trung Quốc trở thành một nhà sư, tọa ở núi Ngũ Đài, tỉnh Sơn Tây.
4. Sản phẩm của thời đại giáo dục gượng ép
Một số người cho rằng, việc Ninh Bạc được truyền thông để ý sớm, đã ảnh hưởng đến tâm lý phát triển của anh. Ninh Bạc gặp áp lực khi được mệnh danh là thiên tài. Cho nên, anh chỉ tập trung vào việc trau dồi trí tuệ, không chú trọng đến việc nuôi dưỡng cảm xúc, quan hệ bên ngoài. Do đó, Ninh Bạc gặp nhiều trắc trở trong các mối quan hệ cá nhân.
Sau này, anh luôn cảm thấy cô đơn, lạc lõng, không có ai thấu hiểu mình. Từ những biến cố trong cuộc sống và áp lực công việc đã dẫn đến bi kịch của thần đồng ở tuổi 38.
Bên cạnh đó, cũng có một số người cho rằng, nếu Đại học Khoa học và Công nghệ đồng ý để Ninh Bạc chuyển trường, có lẽ anh đã trở thành một nhà thiên văn học chứ không phải là nhà tu hành.
An Dương