"Hiện nay có một thực trạng nguy hiểm là hầu hết cha mẹ làm nông vì mong muốn con được đi học đại học, cao đẳng nên không để các con động tay vào công việc lao động gì. Nhiều học sinh lớp 8, lớp 9 có bố mẹ làm ruộng nhưng không hề biết cấy, nhổ mạ, chăn trâu hay nấu cơm".

Phần 1: 'Cứ học đi rồi ra trường có người xin việc cho'

Tuần Việt Nam giới thiệu phần 2 cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Quang Thạch, nhà sáng lập chương trình Sách hóa Nông thôn được công chúng biết tới. Ông Thạch vừa có chuyến đi bộ xuyên Việt để cổ xuý cho văn hoá đọc trong giới trẻ nông thôn VN.

{keywords}
Ông Nguyễn Quang Thạch trong chuyến đi bộ xuyên Việt để vận động đưa sách về nông thôn đầu năm 2015. Ảnh: nhân vật cung cấp

Với mục đích hướng tới cộng đồng như đi bộ vận động đọc sách, ông có nhận được nhiều hỗ trợ và chia sẻ của cộng đồng không?

Ông Nguyễn Quang Thạch: Bên cạnh những người biết tôi qua facebook, qua truyền thông…đã hỗ trợ tôi trong chuyến đi, thì những chuyện thấy được cũng đáng suy nghĩ.

Khi đi đến Diễn Châu – Nghệ An thì trời gần tối, tôi tìm chỗ dừng chân nhưng phải 10 km nữa mới có nhà nghỉ. Đi qua một ngôi nhà có hai vợ chồng đang đứng ở sân, tôi hỏi thăm nhà chủ tịch xã để xin ngủ nhờ. Người vợ tỏ vẻ muốn cho tôi ngủ qua đêm, nhưng người chồng dập tắt ý định đó ngay.

Xin vào một  chùa được cho biết  “chùa này có lần cho hai người vào ngủ qua đêm thì họ đã trộm tiền bạc của chùa”. Đến Phú Lộc, Huế, tôi xin vào ngủ ở nhà một công an xã, nhưng bị từ chối. Giờ người ta rất nghi ngờ vào sự tử tế, lương thiện của con người.

Hồi tôi còn nhỏ, người dân Nghệ An lên bán cá trong làng tôi, gia đình tôi thường cho về ở, nấu cơm cho họ ăn. Những khi trời tối nhưng không tìm được nhà nghỉ, qua nhà một số người dân trình bày đi bộ vì sách cho trẻ em, với mong muốn có chỗ ngủ, mong được mình được cư xử như giống như ngày xưa gia đình mình cư xử với người dâng cách đây 20-30 năm trước, đáp trả lại chỉ là sự thờ ơ, nhưng quá hiếm. Cũng không thể trách được, vì niềm tin ở xã hội này bao lâu nay đã suy giảm nghiệm trọng, nhiều người đã tuyệt vọng.

Tôi cũng gặp nhiều thanh niên nhuộm tóc đỏ, vàng bắt xe vào Nam kiếm sống. Hầu hết các em học hết cấp 2 là bỏ đi làm công nhân, phụ hồ. Tôi hỏi:“từ nhỏ các em có được đọc sách không?”. Có em trả lời  “Đủ sách giáo khoa đã khó anh ạ”. Em thì bảo “Thư viện nhà trường không cho mượn sách”. Em khác lại cho biết “Em hay đọc ké sách của bạn em. Mẹ bạn ấy là giáo viên nên lấy được sách về nhà”.

Rồi những công nhân nữ ẵm những đứa con nheo nhóc đón xe trên đường Nam tiến. Các ông chồng trẻ  đang túm tụm khoe hôm qua ăn uống ở đâu, nhậu gì với ai. Cụm từ “ăn, nhậu” không biết từ bao giờ đã trở thành một thứ “sức mạnh”, “đẳng cấp”  của xã hội mình, phổ biến đến nỗi làm cho người ta coi như ăn nhậu như là cách khẳng định giá trị cá nhân.

{keywords}
Ông Nguyễn Quang Thạch trong chuyến đi bộ xuyên Việt để vận động đưa sách về nông thôn đầu năm 2015. Ảnh: nhân vật cung cấp

Những không gian cộng đồng như nhà văn hóa thì sao? Có hoạt động hay không?

Ông Nguyễn Quang Thạch: Khi tôi về Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An hay Quảng Bình, Quảng Trị… những vùng giáp quốc lộ 1 thì hầu hết làng nào cũng có nhà văn hóa hay trung tâm học tập cộng đồng, trong khi đó rất ít làng có thư viện.  Hoạt động của các nhà văn hóa, TTHTCĐ còn rất nghèo nàn và mang nặng tính hình thức, chỉ thỉnh thoảng người ta mới tổ chức các buổi tập huấn cho nông dân. Đó chưa phải là không gian để chia sẻ và lĩnh nhận tri thức.

Một vấn đề khác là dọc đường đi, tôi bắt gặp các tấm biển “nhà văn hóa”, “làng văn hóa" mọc lên ở khắp nơi, nhưng thật khó để tìm được một thư viện trong những không gian được coi là “văn hóa” đó. Khi hỏi trong làng có bao nhiều người nghiện ma túy, bao nhiêu người uống rượu. Người ta bảo: “gần như cả làng uống rượu” và có khoảng 30-40, thậm chí có làng có tới 50-60 người nghiện ma túy.

Và ngược chiều với các thiếu niên tóc đỏ, tóc vàng vào Nam tìm việc, trên đường tôi cũng gặp nhiều thanh niên ở độ tuổi từ 25 trở lên từ Sài Gòn trở về. Họ không có kỹ năng làm việc. Tiền lương không đủ tiền thuê nhà và sinh hoạt phí tại thành phố nên phải về quê. Có người về vay vốn mở quán ăn, có người lao động chân tay kiếm dăm bảy chục ngàn đồng/ngày.

Một vấn đề khá phổ biến và cấp bách ở nông thôn hiện nay là người ngày càng đông lên mà diện tích đất nông nghiệp ngày càng giảm đi. Dọc Quốc lộ 1, nhiều mảnh đất màu mỡ phải cải tạo nghìn năm mới có thì bây giờ trở thành các nhà hàng, xưởng may, các nhà máy…Không đất sản xuất, không kiến thức kỹ năng hay sinh kế, người ta buồn tẻ, chán nản lại càng ăn nhậu nhiều hơn. Không có tiền để mua rượu thì mua men tự nấu rượu, đắm chìm trong hơi men, bế tắc, nghèo nàn.  Nghèo đói, rượu bia, nghiện ngập trở thành một vòng tròn luẩn quẩn, không lối thoát tại nhiều vùng nông thôn Việt Nam.

Lúc nào đó, chúng ta phải làm một phóng sự đằng sau cụm từ “làng văn hóa” chúng ta có gì? Sau làng ấy có chính sách gì hay? Bao nhiêu người đọc sách? Môi trường thế nào? Bên trong các ngôi nhà mang biển hiệu văn hóa có gì? Các công chức ở làng có trách nhiệm, trong sạch, mẫn cán với công việc hay không? Phải nêu rõ các vấn đề này với xã hội.

Còn khi  mà dọc đường hỏi chuyện học sinh, câu trả lời nhận được vẫn là “10 bạn có 9 bạn chơi game chú ạ!” thì làng văn hóa chỉ là khẩu hiệu!

{keywords}
Ông Nguyễn Quang Thạch trong chuyến đi bộ xuyên Việt để vận động đưa sách về nông thôn đầu năm 2015. Ảnh: nhân vật cung cấp

Có rất nhiều chương trình phát triển nông thôn, tác động từ những chương trình này thế nào?

Ông Nguyễn Quang Thạch: Chúng ta có nhiều chương trình phát triển nông thôn, nhưng hầu hết không đầu tư cho văn hóa mà chỉ đầu tư các công trình như đường, chợ, nhà văn hóa...Nói cách khác, ta không thúc đẩy thay đổi nhận thức của người dân - gốc rễ của mọi vấn đề, mà đánh vào nhu cầu vật chất trước. Về mặt hữu hình, người ta thấy “đường khang trang hơn”, “Làng này có thì làng tôi cũng có nhà văn hóa to”, nhưng thực ra mặt nhận thức con người không thay đổi; thậm chí còn bị những thay đổi vật chất tác động theo hướng tiêu cực.

Ý ông muốn nói đến việc đầu tư vật chất khi công nghệ, đường, xe máy, tóc xanh, tóc đỏ… vào làng làm đổ vỡ các giá trị văn hóa và quan hệ cộng đồng?

Ông Nguyễn Quang Thạch: Chính xác! Bản thân nông thôn chúng ta thiếu nền tảng tri thức, vì thế năng lực tự kháng trước cái xấu từ bên ngoài rất yếu. Khi đưa các giá trị vật chất về càng nhiều thì bức tường tự kháng trong mỗi người nông dân sẽ mất đi, thậm chí bị tiêu diệt rất nhanh.

Thêm nữa, hiện nay có một thực trạng nguy hiểm là hầu hết cha mẹ làm nông vì mong muốn con được đi học đại học, cao đẳng nên không để các con động tay vào công việc lao động gì. Nhiều học sinh lớp 8, lớp 9 có bố mẹ làm ruộng nhưng không hề biết cấy, nhổ mạ, chăn trâu hay nấu cơm.

Khi chúng ta đặt nặng việc học lý thuyết, thiếu thực hành, kiến thức không được chuyển hóa và hình thành qua các bước lao động thì hậu quả là những công dân thiếu trách nhiệm, sống nhờ sống bám và vô cảm với cả những điều tử tế và đồng loại.

Bọn trẻ không biết kỹ năng thực hành và không biết trân trọng giá trị lao động của người khác. Tại sao nhiều con nhà nông dân lên Hà Nội không chịu đi dạy thêm, làm thêm kiếm thêm tiền mà chỉ trông chờ vào sự trợ cấp của bố mẹ; ngoại ngữ không chịu học rồi đổ lỗi rằng học ngoại ngữ cần phải có năng khiếu.

Tôi gặp những cô bé có mẹ bán quán ngoài chợ, nhưng không chịu giúp mẹ gánh hay bán hàng vì xấu hổ. Chúng ta đã làm cho nhiều đứa trẻ không nhận dạng thế nào là giá trị cốt lõi. Con nhà nông dân mà không biết phụ giúp bố mẹ gặt lúa, cấy mạ, làm việc nhà thì thật khó chấp nhận. Mà đáng buồn thay, hiện tượng này đang ngày càng trở nên phổ biến.

Bởi vì nhiều phụ huynh tin rằng học hành đỗ đạt là cách duy nhất để con cái họ có cơ hội sống tốt hơn, khiến trách nhiệm làm cha mẹ của họ hoàn thiện hơn. Chẳng nhẽ họ sai?

Ông Nguyễn Quang Thạch: Cho con cái ăn học để thoát đời nông dân, thoát làm công nhân mà thành công chức và quan chức. Những mong muốn và khát vọng đó là chính đáng. Tuy nhiên,  việc chạy theo bệnh trọng bằng cấp, mong có bằng cấp để có việc làm là cách tiếp cận đã được chứng minh là sai trong thời gian qua. Nhiều ông bố bà mẹ lao lực và vay tiền nuôi con học đại học, nhưng ra trường con không tìm được việc làm, lại quay về làm công  nhân. 

Thật thương cho người cha người mẹ đặt mọi kỳ vọng vào sự  đổi đời của con mình để hưởng lợi khi tuổi già nhưng sự kỳ vọng không được đáp ứng khi con không thể trở thành thầy hoặc thành thợ giỏi, cuộc sống luẩn quẩn không lối thoát.  Đã đến lúc chúng ta cần gọi tên đúng các giá trị xã hội. Chúng ta cần xem trọng thợ giỏi, xem trọng nông dân tạo năng suất cao. Hệ giá trị xã hội mới của xã hội là những con người làm ra sản phẩm tử tế và sống lương thiện chứ không phải là bằng cấp cao hay quan vị.

Ông đã thu được gì từ chuyến đi bộ Hà Nội-Sài Gòn?

Trước hết, tôi thấy được mặt cắt đại diện và đa chiều của xã hội Việt Nam để đưa ra những giải pháp cho một số nan đề  trong lòng xã hội. Thứ hai, như kỳ vọng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản xã hội hóa  xây dựng hệ thống tủ sách đến lớp học-Tủ sách Phụ huynh như tôi đã kiến nghị. Từ chuyến đi của tôi, hệ thống giáo dục mở đường ‘khoán sách’ cho người đọc trên quy mô quốc gia, tạo lượng cầu sách đặt nền móng cho nền kinh tế tri thức trong vài thập niên tới.

 Hoàng Hường (Thực hiện)