Thiên tài Toán học trẻ tuổi

Lưu Hán Thanh (SN 1964) xuất thân trong một gia đình nông thôn ở Giang Tô, Trung Quốc. Từ nhỏ, độ nhạy cảm với con số của anh đã vượt người bình thường. Trong ấn tượng của thầy cô, bạn bè Lưu Hán Thanh thông minh, học giỏi.

Năm 11 tuổi, anh bắt đầu giải toán cao cấp trước sự ngỡ ngàng của cô giáo. So với các bạn cùng trang lứa, Lưu Hán Thanh được coi là thần đồng. Theo thời gian, tài năng của anh nhiều người biết đến và được mệnh danh là thiên tài Toán học.

Lưu Hán Thanh. Ảnh: Sohu.

Suốt 12 năm học, điểm số của Lưu Hán Thanh luôn nằm trong top đầu lớp. Thậm chí, nhờ tư duy Toán học nhạy bén nên điểm các môn Toán, Lý, Hóa của anh luôn ở mức xuất sắc. Năm 16 tuổi, Lưu Hán Thanh tham gia kỳ thi tuyển sinh ĐH. Anh đỗ Học viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân với vị trí thủ khoa - trường trọng điểm của Trung Quốc bấy giờ.

Mác đỗ ĐH danh tiếng đã tô điểm thêm cho cuộc sống của Lưu Hán Thanh. Khi những người thân và bạn bè xung quanh nghe tin anh đỗ Học viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân, ai cũng hạnh phúc. Thậm chí, người dân cũng kéo đến chúc mừng "Phượng hoàng vàng" đã bay khỏi làng. Anh trở thành niềm tự hào của gia đình, bạn bè và hàng xóm.

Nhiều người hy vọng với tấm bằng tốt nghiệp của trường này, Lưu Hán Thanh sẽ tìm được công việc tốt trong tương lai. Nhưng điều mọi người kỳ vọng đều đi ngược lại. 

Trượt môn nhiều bị đuổi học 

Đỗ Học viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân, Lưu Hán Thanh phân vân giữa ngành Toán học và Nhiệt luyện Vật liệu và Xây dựng. Anh cho rằng, nếu theo đuổi Toán học việc tạo ra dấu ấn của bản thân hoặc một công trình nghiên cứu khoa học áp dụng vào thực tế rất khó. Do đó, anh quyết định chọn ngành Nhiệt luyện Vật liệu và Xây dựng.

Thế nhưng niềm đam mê Toán vẫn bám đuổi Lưu Hán Thanh. Hàng ngày, anh tập trung tích lũy thêm vốn kiến ​​thức Toán học và tham gia nhiều cuộc thi có liên quan. 

Đến năm 3 ĐH, Lưu Hán Thanh vô tình đọc được Giả thuyết Goldbach của nhà toán học nổi tiếng người Đức Christian Goldbach. Đọc xong giả thuyết, anh tìm thấy mục tiêu theo đuổi và quyết định đi sâu vào nghiên cứu.

Kể từ đó, Lưu Hán Thanh bỏ bê việc học chỉ tập trung nghiên cứu lý thuyết số. Anh tìm kiếm các cuốn sách liên quan đến Toán học trong thư viện. 

Lưu Hán Thanh dành hàng giờ chỉ để ngồi nghiên cứu.

Cuối kỳ, Lưu Hán Thanh nhận được thông báo trượt môn. Trước tình huống trên, Học viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân tạo điều kiện để anh học lại và hoãn thời gian tốt nghiệp. Nhưng niềm đam mê Toán của anh không thể dập tắt. Cuối cùng, anh bị đuổi khỏi trường vì trượt môn vượt quá số lượng quy định. 

Thời điểm đó, giảng viên trong trường đều đánh giá Lưu Hán Thanh là sinh viên tài năng, nếu chăm chỉ học tập việc tốt nghiệp khá đơn giản.

Lý tưởng cao đẹp nhưng hiện thực phũ phàng

Sau khi biết tin Lưu Hán Thanh bị đuổi học, dân làng đã bàn tán, những sự chất vấn, tiếc nuối liên tục vang lên. Trong mắt họ, việc anh không có bằng ĐH đồng nghĩa với việc đánh mất tương lai. Bố mẹ anh cũng phải chịu nhiều áp lực kinh tế và những lời bàn tán.

Lưu Hán Thanh trở về quê không lao động, chỉ nhốt mình trong phòng. Cả ngày, anh ngồi nghiên cứu các bản thảo, đắm chìm trong thế giới Toán học, không quan tâm đến cuộc sống bên ngoài. Anh cho rằng, chỉ cần tập trung nghiên cứu là sẽ thành công.

Năm 1989, nhờ sự giúp đỡ của bạn, nghiên cứu “Sự phân bố của các số nguyên tố trong dãy số tự nhiên” của Lưu Hán Thanh được xuất bản trên báo mạng. Ngay sau khi bài báo được đăng tải, một nhà Toán học nổi tiếng ở Na-Uy đã phản bác quan điểm của Lưu Hán Thanh.

Người này chỉ ra một số điểm không phù hợp trong nghiên cứu của Lưu Hán Thanh. Thậm chí, để chỉ ra điểm sai trong nghiên cứu này, ông còn viết thư để trao đổi. Khi đó, anh đã nhờ bạn cùng lớp trả lời bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, sau nhiều lần trao đổi giấy tờ bị thất lạc, nên nghiên cứu chưa được cải tiến. 

Năm 1990, nghiên cứu này tiếp tục được một giáo sư toán học nổi tiếng ở ĐH Bắc Kinh kiểm tra kết quả. Đồng quan điểm với nhà toán học Na-Uy, người này cũng chỉ ra một số lập luận chưa thuyết phục, cần phải chứng minh thêm.

Sau khi nghiên cứu của Lưu Hán Thanh bị 2 nhà Toán học phản bác, anh cho rằng bản thân không sai và không tranh luận thêm. Trước phản ứng dữ dội của Lưu Hán Thanh, một nhà khoa học lên tiếng: “Sai lầm lớn nhất của anh là đóng kín cửa tự nghiên cứu, không giao lưu và tiếp xúc với các chuyên gia trong cùng lĩnh vực. Do đó, nghiên cứu còn nhiều lỗ hổng và không thể áp dụng”.

Người này nói thêm, để nghiên cứu khoa học có thể áp dụng vào thực tiễn cần phải có sự trao đổi qua lại của nhiều người trong một lĩnh vực. Sự đóng góp của các chuyên gia sẽ giúp cho nghiên cứu hoàn thiện. Nhưng Lưu Hán Thanh đã bác bỏ quan điểm của 2 nhà Toán học lớn, do đó nghiên cứu chỉ dừng lại ở mức lý thuyết. 

Trải qua hơn 20 năm chỉ nghiên cứu, không ra ngoài lao động. Giờ đây, Lưu Hán Thanh chật vật, khổ cực sống bằng tiền trợ cấp của chính phủ với 400 NDT/tháng (khoảng 1,3 triệu đồng). Ở tuổi 59, anh không có ý định ra ngoài tìm việc hay kết hôn vì sợ lãng phí thời gian nghiên cứu.

Mặc dù được coi là thiên tài nhưng sau hơn 20 năm nghiên cứu, công trình Toán học của Lưu Hán Thanh không được giới chuyên môn đánh giá cao. Nhiều giáo viên tiếc nuối cho anh, bởi trí tuệ của Lưu Hán Thanh xứng đáng có cuộc sống tốt.

Hiện nay, khi nhắc đến Lưu Hán Thanh - một người giỏi phải sống dựa vào tiền trợ cấp của chính phủ để sinh hoạt vẫn gây ra nhiều tranh cãi. Đây là minh chứng cho thực tế có nhiều thiên tài cống hiến cả đời cho khoa học nhưng không phải ai cũng đạt được kết quả mong muốn. 

Nhiều người cho rằng, tinh thần nghiên cứu kiên trì của Lưu Hán Thanh đáng học hỏi, nhưng mong muốn theo một đuổi lĩnh cần phải phù hợp với thực tại. Tài năng và trí tuệ được đặt đúng vị trí, sẽ phát huy được hiệu quả.