Doanh nhân Trung Quốc đứng ra mua chiếc tàu chưa đóng xong thời Xô viết mà sau này thành tàu sân bay đầu tiên của TQ hôm 20/1 cho hay Bắc Kinh chưa từng trả lại tiền cho ông.


{keywords} 

Theo ChannelNewsAsia, Doanh nhân Xu Zengpin đã trả Ukraina 200 triệu USD để mua tàu Varyag, sau này được bàn giao cho Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc và đổi tên thành Liêu Ninh. Tuy nhiên, khi được kéo về tới Trung Quốc, giá của con tàu đã tăng cao hơn nhiều, và các chi phí khác không bao gồm trong đó.

Ông Xu cho hay, tàu vẫn có các động cơ nguyên gốc vào thời điểm được chuyển cho Trung Quốc, trái ngược với các thông tin trước đây.

Xu, cựu vận động viên bóng rổ của quân đội Trung Quốc, đã được chọn làm người đàm phán mua tàu. Ông này đóng vai một doanh nhân muốn mua tàu để làm sòng bạc nổi ở Macau và sau đó trao tàu lại cho chính quyền. Tuy nhiên, nói với tờ South China Morning Post (SCMP), ông Xu cho hay: "Tôi chưa từng nhận được một xu lẻ nào từ chính phủ của chúng ta. Tôi chuyển giao nó cho hải quân".

Sau nhiều năm tân trang, con tàu cuối cùng cũng được đưa vào sử dụng năm 2012 và trở thành sự kiện quan trọng mang tính hình tượng của quân đội Trung Quốc ngày càng hùng mạnh.

Theo SCMP, Trung Quốc đã cân nhắc mua tàu sân bay trên từ năm 1992 song bị từ chối.

Khoảng 4 năm sau, ông Xu được các quan chức hải quân Trung Quốc tiếp cận để thực hiện thương vụ trên. Các quan chức thận trọng khuyến cáo rằng hải quân đang thiếu tiền và Bắc Kinh không ủng hộ dự án này, và ông Xu sẽ phải đánh cược với những thay đổi trong chính sách của chính phủ.

Việc đóng tàu Varyag bị lỡ dở sau khi Liên Xô sụp đổ. Việc mua tàu được hoàn tất vào năm 1999 sau vài ngày đàm phán, nhậu nhẹt giữa ông Xu và chủ sở hữu Ukraina.

Xu cho hay, bốn động cơ từ thời Xô viết của tàu sân bay Varyag vẫn còn nguyên niêm phong, trái ngược với các thông tin trước đó rằng Trung Quốc chỉ mua thân tàu và cấu trúc của nó. "Trung Quốc đã tung thông tin sai lệch về việc gỡ bỏ động cơ để giúp Xu và xưởng đóng tàu Ukraina dễ đàm phán", SCMP trích một nguồn tin nắm được thương vụ trên cho hay.

Tuy nhiên, để mua được tàu, Xu cho hay, ông ta phải mượn bạn bè hàng chục triệu đô trong khi hải quân Trung Quốc từ chối trả tiền do không có ngân sách cho việc mua tàu vào cuối những năm 1990 vì kinh tế đất nước yếu kém".

Báo trên trích thông tin từ một cuốn sách được xuất bản chính thức cho hay, Xu phải "mặc cả" với hội đồng nhà nước suốt nhiều năm liền về việc bồi thường song Bắc Kinh sẽ chỉ trả đúng 20 triệu đô tiền đấu giá và không nói rõ tại sao lại làm như vậy. Báo này cũng trích nguồn tin ẩn danh cho hay, Xu phải gánh chi phí còn lại do các quan chức hải quân từng đề nghị ông này đảm nhiệm sứ mệnh đã chết hoặc đang ngồi tù.

Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying nói, bà không nắm được vấn đề trên khi được hỏi về bài báo của SCMP tại cuộc họp thường kỳ diễn ra hôm 20/1.

  • Hoài Linh