Ngoài chế độ ăn uống, một số lý do khiến phụ nữ châu Á trông trẻ hơn các chủng tộc khác gồm di truyền và đặc điểm thể chất.
Đặc điểm khuôn mặt
Một số chuyên gia tin rằng hình dạng khuôn mặt của người châu Á đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì vẻ ngoài hoàn hảo, dựa trên vị trí cụ thể của chất béo. Người châu Á có nhiều mỡ quanh mắt nên ngăn ngừa nếp nhăn ở vùng đó.
Mỡ quanh miệng cũng hỗ trợ vẻ trẻ trung của nhiều phụ nữ châu Á. Khu vực này giảm được khả năng hình thành các nếp nhăn, mang lại khuôn mặt mịn màng hơn.
Hơn nữa, giải phẫu mặt của người châu Á, chẳng hạn như mắt nhỏ, môi mỏng, gò má cao hơn và trán ngắn, được một số chuyên gia tin rằng khiến phụ nữ khu vực này trông trẻ hơn vài tuổi so với thực tế.
Bí mật đằng sau làn da châu Á
Tông màu da của con người thay đổi từ nhạt đến tối nhất. Màu sắc bắt nguồn từ số lượng và loại sắc tố da được gọi là melanin. Có hai loại melanin: eumelanin và pheomelanin. Giống như nhiều thuộc tính khác, số lượng và loại sắc tố trên da được xác định bởi gene của chúng ta.
Theo Thetech, các nhà khoa học đã xác định được một số gene đóng vai trò quyết định màu da, bao gồm thụ thể melanocortin 1 (MC1R). Khi MC1R hoạt động tốt, các tế bào hắc tố (nằm ở lớp biểu bì của da) sẽ chuyển hóa pheomelanin thành eumelanin. Nhưng nếu MC1R hoạt động kém sẽ dẫn tới tích lũy pheomelanin.
Ở phần lớn những người có làn da sáng hoặc nhợt nhạt, MC1R hoạt động chậm, khiến họ có nhiều pheomelanin hơn.
Các gene khác liên quan đến xác định màu da của con người là gene kitlg và SLC24A5. Những người Bắc Âu có làn da nhợt nhạt có có gen SLC24A5 không hoạt động hiệu quả.
Tóm lại, da càng có nhiều eumelanin thì càng sẫm màu. Những người có nhiều pheomelanin sẽ có làn da nhợt nhạt hơn, thường đi kèm với tàn nhang.
Mặc dù di truyền đóng một vai trò lớn trong việc xác định màu da của một người, nhưng vẫn có những yếu tố bên ngoài có thể gây ra sự thay đổi màu da ở các chủng tộc khác nhau. Một trong số đó là việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
Ánh sáng mặt trời có thể gây hại do có bức xạ tia cực tím phá hủy axit folic hoặc gây đột biến DNA trong một số tế bào da. Đôi khi đột biến này thậm chí có thể gây ung thư da. Khi đó, làn da sẫm màu lại có lợi thế.
Người có da sẫm màu bị lão hóa chậm hơn
Các bác sĩ da liễu phân biệt sáu loại da dựa trên màu sắc, từ loại I nhạt nhất đến loại VI sẫm màu nhất. "Những người thuộc loại IV hoặc cao hơn có nhiều hắc tố trong da để bảo vệ họ khỏi ánh nắng", bác sĩ da liễu Monica Halem, Đại học Columbia, giải thích.
Ví dụ, một người châu Phi thuộc loại da VI không cảm thấy tác động của lão hóa nhiều như một người da trắng có tóc vàng và da sáng thuộc loại I.
Ngoài ra, rất nhiều bằng chứng cho thấy những người có làn da sẫm màu có nguy cơ mắc ung thư da thấp hơn nhiều.
Collagen cũng tham gia chống lão hóa sớm. Trong khi melanin hấp thụ bức xạ tia cực tím và bảo vệ da từ bên trong thì collagen là phân tử hình thành mô da chống lại bệnh tật và thương tích.
Da càng dày và càng chứa nhiều hắc tố thì tác dụng chống lão hóa càng lớn, bao gồm cả việc bảo vệ chống lại các nếp nhăn. Kết quả, những người có da sẫm màu thường trông trẻ hơn những người da nhợt nhạt.
Tuy nhiên, những người da sẫm không tránh khỏi tác hại của tia cực tím. Do đó, điều quan trọng là phải sử dụng kem dưỡng ẩm giàu vitamin E và C và cả kem chống nắng có chỉ số chống nắng (SPF) tối thiểu là 30 mỗi khi bạn ra ngoài trời.